Tàu Triều Tiên bị bắt tại Panama chở máy bay và tên lửa, Cuba lên tiếng
Thông báo từ Bộ ngoại giao Cuba xác nhận, số thiết bị quân sự trên tàu Triều Tiên bị bắt tại Panama là của Cuba. Số thiết bị này đang được mang đi sửa, gồm các radar điều khiển tên lửa, hai chiếc máy bay Mig 21 được tháo rời và nhiều thiết bị khác.
Những hình ảnh mới nhất chụp chiếc tàu của Triều Tiên bị bắt giữ tại Panama cho thấy, số thiết bị quân sự trên được đặt trong một container và phủ bên trên là rất nhiều bao tải chứa đường. Con tàu mang tên Chong Chon Gang và treo cờ Triều Tiên. Khi bị bắt tàu đang trên hành trình từ Cuba, chuẩn bị qua kênh đào Panama thì bị chính quyền địa phương khám xét và bắt giữ.
Theo hãng tin AP, một công ty phân tích tích thiết bị quốc phòng tư nhân sau khi nghiên cứu các bức ảnh cho biết, con tàu có vẻ như đang vận chuyển một hệ thống radar điều khiển tên lửa đất đối không thời Liên Xô cũ.
Bộ ngoại giao Cuba sau đó lên tiếng xác nhận số thiết bị này thuộc về nước mình, và rằng đây là những “vũ khí phòng thủ lạc hậu”, có từ giữa thế kỷ 20. Cuba cho biết các thiết bị này được chuyển đi sửa chữa trước khi đưa trở lại quốc đảo này.
Cụ thể, số thiết bị nặng 240 tấn này gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không Volga và Pechora, 9 tên lửa ở dạng “bộ phận và phụ tùng”, 2 chiếc máy bay Mig-21 Bis và 15 động cơ cho các máy bay này.
“Thỏa thuận được ký bởi Cuba trong lĩnh vực này xuất phát từ nhu cầu duy trì khả năng phòng thủ của chúng tôi nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia”, thông báo của Bộ ngoại giao Cuba viết.
Đồng thời thông báo khẳng định La Havana cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình và giải giáp vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Tổng thống Panama Ricardo Martinelli cho biết chiếc tàu trọng tải 14.000 tấn Chong Chon Gang mang theo tên lửa và các vũ khí khác, “được giấu trong các container bên dưới lô hàng đường”.
Ông Martinelli sau đó đăng tải trên trang Twitter cá nhân một bức ảnh chụp bên trong một container, cho thấy một vật hình trụ màu xanh. Theo ông Neil Ashdown, nhà phân tích của công ty tình báo IHS Jane’s Intelligence, đây có vẻ như một ăng ten nằm ngang của loại radar SNR-75 “Fan Song”, vốn từng được dùng để dẫn đường cho các tên lửa được bắn từ hệ thống phòng không SA-2 từng được tìm thấy tại các nước đồng minh của Liên Xô cũ.
“Có thể thiết bị này được chuyển tới Triều Tiên để nâng cấp khả năng phòng không ở tầm cao của nước này”, ông Ashdown nhận định.
Còn ông Belsio Gonzalez, giám đốc của Cơ quan quản lý hàng không và đại dương quốc gia Panama cho biết, một trong những container được giấu dưới những bao chứa đường, chứa các thiết bị radar có vẻ như được thiết kế để sử dụng với các tên lửa không đối không hoặc đất đối không.
Kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ nhất ngày 9/10/2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt 4 lệnh cấm vận với nước này. Theo các lệnh cấm vận này, tòan bộ các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc bị cấm cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc chuyển giao tòan bộ các loại vũ khí, tên lửa, hoặc hệ thống tên lửa và các thiết bị, công nghệ sản xuất chúng cho Triều Tiên, ngoại trừ các loại vũ khí nhỏ, hạng nhẹ.
Trong nghị quyết mới nhất được thông qua hồi tháng 3, Liên Hợp Quốc cho phép tất cả các nước kiểm tra các lô hàng tại nước mình hoặc được quá cảnh qua nước mình có nguồn gốc từ Triều Tiên, hoặc đang được chuyển tới Triều Tiên, nếu một quốc gia có thông tin đáng tin cậy rằng lô hàng có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Giới chức Panama tin rằng chiếc tàu này đang trở về Triều Tiên từ La Havana, Bộ trưởng công an Panama Jose Raul Mulino khẳng định với hãng tin AP. Dựa trên thông tin tình báo, họ nghi ngờ rằng tàu này có thể chở hàng lậu và đã tìm cách liên lạc với thủ thủ đoàn những không được trả lời. Tổng thống Martinelli thì cho biết ban đầu nước này chỉ nghi tàu có chở ma túy.
35 thủy thủ Triều Tiên trên tàu đã bị bắt giữ sau khi chống đối nỗ lực can thiệp của cảnh sát khi còn tàu vào vùng biển Panama. Ông Martinelli cho biết thuyền trưởng của tàu đã lên cơn đau tim và còn tìm cách tự sát.
Nguồn: Dân Trí