Nhân viên văn phòng đua nhau bán hàng rong
Theo một cuộc khảo sát gần đây của của tờ nhật báo China Youth Daily của Trung Quốc, khoảng 79,2% trong số 1.891 người được phỏng vấn cho biết, họ thường xuyên thấy các nhân viên văn phòng bán hàng đường phố. Bên cạnh đó, 68,1% nói rằng họ ủng hộ sáng kiến này.
Khoảng 35% số người được hỏi đến từ các thành phố lớn, 29,5% đến từ các thành phố cỡ vừa, còn lại 19,8 % đến từ các thành phố nhỏ. Ngoài ra, có 11,5 % người được hỏi đến từ các huyện, xã và 3,8 % từ nông thôn.
Ông Wu, người đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã sống ở Thâm Quyến trong 15 năm. Ông hiện là một nghiên cứu kỹ thuật và quản lý phát triển trong một công ty. Dù ông kiếm được hơn 10.000 NDT/tháng (gần 34 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng ông vẫn bán hàng ngoài đường phố trong 8 năm nay.
“Đường phố trước cửa nhà tôi rất đông đúc với các loại quầy hàng vào ban đêm. Tôi bán quần áo, đồ ăn nhẹ và các loại trái cây”, ông Wu nói. “Khi việc kinh doanh tiến triển tốt, tôi có thể kiếm được khoảng 5.000 – 6.000 NDT/tháng (khoảng từ 17-20 triệu đồng)”.
Ông Wu cho biết, việc một nhân viên văn phòng mở các gian hàng bán lẻ ngoài đường phố hiện nay rất phổ biến ở Thâm Quyến.
“Người ta có thể mất hàng triệu NDT để mua một căn nhà. Nếu thuê một căn nhà, bạn cũng phải trả một khoản tiền thuê rất đắt”, ông Wu nói. “Ngoài ra, tôi còn phải trả tiền học phí cho con cái và lo chi phí sinh hoạt cho gia đình. Sẽ thật sự khó khăn nếu tôi chỉ phụ thuộc vào tiền lương của mình”.
Một cô gái trẻ, Sun Jingjing, chia sẻ kinh nghiệm của mình với việc mở gian hàng trên phố. Cô là nhân viên tiếp tân tại một công ty công nghệ thông tin ở quận Haidian của Bắc Kinh.
“Là một chủ gian hàng, tôi có thể tự lựa chọn hàng hóa và quyết định giá cả của chúng. Tôi cảm thấy điều đó thật tuyệt vời”, Jingjing nói.
Về lý do đằng sau việc mở gian hàng kinh doanh trên đường phố, 69,6% số người được hỏi cho biết họ muốn tăng thêm thu nhập.
Tang Mengjuan, nhân viên về nhân sự cho trang www.abang.com chia sẻ, thu nhập của nhân viên văn phòng rất hạn chế. Sống ở các thành phố lớn với những chi phí đắt đỏ buộc họ phải cố gắng để tăng thu nhập.
Các nhân viên trẻ mở các quầy hàng bán lẻ trên đường phố vì họ muốn được tự do theo đuổi ước mơ của riêng mình, hoặc thử một lối sống khác.
Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng. “Tôi không được nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần bởi vì tôi phải đi rất xa để nhập hàng hóa”, ông Wu cho biết. “Bên cạnh đó, tôi còn phải giấu thanh tra thành phố”.
Sun Jingjing cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Việc kinh doanh của cô không còn hiệu quả như trước vì Jingjing có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Cô cũng có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Dù đôi lúc rất mệt mỏi nhưng cô ấy không muốn từ bỏ “ước mơ doanh nhân” của mình.