27 tỉnh chìm trong biển nước, Tập Cận Bình lo lắng mục tiêu “thoát nghèo” thất bại
Sau một thời gian án binh bất động, vào ngày 12/7, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu, liên hệ giữa phòng chống lũ lụt với việc cứu trợ thiên tai để xóa đói giảm nghèo. Ông thừa nhận rằng tình hình lũ lụt tại Trung Quốc hiện tại đang rất nghiêm trọng, cần phải ngăn chặn tình trạng nghèo đói trở lại do thiên tai.
Ngày 12/7, các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, Tập Cận Bình đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng trong công tác phòng chống và cứu trợ lũ lụt. Ông Tập nói rằng, gần đây, lưu vực sông Dương Tử, sông Hoài, hồ Động Đình, hồ Bà Dương, hồ Thái Hồ và một số hồ khác đều đang ở mức báo động lũ. Các khu vực như Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Chiết Giang, v.v, đang bị lũ lụt nghiêm trọng, gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản, tình hình kiểm soát lũ đang vô cùng cấp bách.
Trọng tâm trong bài phát biểu của ông Tập là ở phần sau, ông nói rằng, cần phải làm tốt công tác giúp đỡ và cứu trợ quần chúng đang gặp khó khăn về thiên tai để ngăn chặn tình trạng nghèo đói quay trở lại.
Trước đó, Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, cần toàn diện thực hiện xóa đói giảm nghèo vào năm 2020 và toàn diện xây dựng một xã hội khá giả. Theo báo cáo từ các kênh truyền thông của Đảng, vào đầu tháng 6 năm nay, Tập Cận Bình đã đi thị sát tại Ninh Hạ, thuộc khu vực phía Tây, ông cũng nhấn mạnh rằng phải cố gắng vượt qua tình hình bất lợi do dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra, quyết tâm toàn diện xây dựng một xã hội khá giả và quyết chiến thoát nghèo thành công.
ĐCSTQ đã phát động chiến dịch “Xóa đói giảm nghèo” vào năm 2015, theo kế hoạch thì việc xóa đói giảm nghèo sẽ hoàn thành vào năm 2020. Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là hết thời hạn xóa đói giảm nghèo. Theo tuyên bố từ phía chính quyền ĐCSTQ, Trung Quốc hiện tại vẫn còn 52 huyện nghèo.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm ngoái, đại dịch virus Vũ Hán đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, văn hóa, tài chính, ngoại thương và thị trường của Trung Quốc. Trong lúc dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành thì 27 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc lại phải đối diện với tình hình lũ lụt nghiêm trọng.
Kể từ tháng 6, mưa lớn kéo dài đã gây ra thảm họa ở miền Nam Trung Quốc, lũ lụt lan tràn, khắp nơi đều báo động khẩn. Nước sông Dương Tử tăng vọt đã buộc đập Tam Hiệp phải xả lũ. Lưu vực sông Dương Tử, từ huyện Giam Lợi, Hồ Bắc – thuộc khu vực cửa hồ Động Đình đến Thượng Hải – thuộc khu vực cửa biển của sông Dương Tử, mực nước của mặt sông dài mấy ngàn km đều vượt mức báo động.
Từ phía Bắc đến Dương Sóc, cách Vũ Hán 900 km về phía Nam, từ đô thị phía Tây Trùng Khánh đến cách Hàng Châu 1600km về phía Đông, lũ lụt cuồn cuộn, những cây cầu bị nhấn chìm và vô số ngôi nhà bị phá hủy bởi dòng nước lũ.
Do nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại, tình hình dịch bệnh, lũ lụt, v.v, khiến cho nền kinh tế của Trung Quốc càng lúc càng trở nên trầm trọng. Các quan chức Cấp cao của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng, toàn dân nhất định sẽ thoát nghèo, toàn dân sẽ trở thành gia đình có kinh tế khá giả vào năm 2020, và thực tiễn cho thấy đây là điều hoàn toàn không thực tế.
Một số nhà phân tích cho rằng, trong bài phát biểu ngày 12/7, lần đầu tiên Tập Cận Bình đã có sự liên hệ giữa phòng chống lũ lụt với việc cứu trợ thiên tai để xóa đói giảm nghèo, mục đích là muốn ngăn tình trạng người dân quay trở lại nghèo đói. Dường như Tập đang lo lắng rằng lũ lụt sẽ khiến mục tiêu xóa đói giảm nghèo của ông vào năm 2020 không cách nào thực hiện được.
Trong kỳ họp “Lưỡng Hội” của ĐCSTQ năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong báo cáo công việc của chính phủ, ông đã không nêu ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế rõ ràng như những năm trước.
Sau Lưỡng hội, Lý cũng tiết lộ rằng thu nhập bình quân đầu người của 600 triệu người dân Trung Quốc chỉ ở mức 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Không những vậy, Lý còn tuyên dương “nền kinh tế vỉa hè” đã giúp giảm bớt áp lực về công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên ngay sau đó, nền kinh tế vỉa hè lại bị chính phủ yêu cầu dừng lại khẩn cấp.
Có người cho rằng mục đích của Lý khắc Cường chỉ là muốn giải cứu nền kinh tế, chủ yếu là nhằm giải quyết vấn đề công ăn việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức do chính quyền ĐCSTQ công bố là 6%, nhưng tập đoàn Chứng khoán Trung Thái vào cuối tháng 4 đã phỏng đoán rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ vào khoảng 20,5%.
Đầu tháng 4, một bài báo trên tạp chí Caixin tuyên bố rằng, dịch bệnh có thể khiến 250 triệu người Trung Quốc rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Con số này đối với 775 triệu công nhân tại Trung Quốc, thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 25%.
Ngoài ra, trong năm nay, hơn 8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải đối mặt với vấn đề việc làm. Làm thế nào để giải quyết một đội quân thất nghiệp khổng lồ như vậy? Do đó, các nhà phân tích tin rằng “xóa đói giảm nghèo” chỉ là một trò hề.
Ông Trương, người đã từng công tác trong ngành truyền thông tin rằng, ngay cả khi không có dịch bệnh hay lũ lụt, ” toàn diện xóa đói giảm nghèo” và xây dựng một xã hội “khá giả” vào năm 2020 là điều tuyệt đối không thể đạt được.
Ông nói rằng, việc xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ đầy tham nhũng và gian lận. Các quan chức thậm chí buộc phải xóa đói giảm nghèo chỉ vì muốn đạt được những thành tích chính trị cho riêng họ. Đặc biệt, ở các khu vực phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam, ngay cả khi không có dịch bệnh đi nữa, thì người dân cũng không thể thoát khỏi nghèo đói. Bởi vì điều kiện sống nơi đó quá tệ, kiến thức cũng không đạt tới. Hơn nữa tình hình dịch bệnh và lũ lụt lại diễn ra nghiêm trọng như vậy, một số nơi chỉ cần có thể duy trì hoạt động bình thường là đã tốt lắm rồi, chứ đừng nói đến xóa đói giảm nghèo, điều đó là hoàn toàn không thể.
Minh Huy (Theo NTDTV)