Ngủ quá nhiều nguy hiểm không kém ngủ ít
Ngủ là một nhu cầu thiết yếu và quan trọng với sức khỏe, tốt cho cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng ngủ nhiều hay ngủ ít đều không tốt cho sức khỏe.
Ngày ngủ 10 tiếng vẫn “thèm ngủ”
Sau một tuần nghỉ phép, chị Thanh Vân 29 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội trở lại công ty làm việc trong tình trạng mệt mỏi, mắt lim dim và ngáp ngắn ngáp dài cả buổi.
Thấy chị vật vờ, đồng nghiệp lại tưởng chị gặp phải chuyện gì đó không vui nên mất ngủ, tiều tụy. Tuy nhiên, chị không có chuyện gì buồn, vấn đề chỉ là chị ngủ nhiều hơn, lúc nào cũng cảm thấy “thèm” ngủ.
Nếu như trước đây, mỗi đêm chị chỉ ngủ khoảng 7 tiếng thì giờ tăng lên tới 9-10 tiếng đồng hồ mà vẫn cảm thấy chưa hết cơn buồn ngủ. Có những hôm vừa ăn tối xong, chị đã nhanh chóng đánh răng, rửa mặt rồi lên giường ngủ luôn mà sáng vẫn không muốn dậy. Thậm chí, chị có thể ngủ quên cả ăn.
Tình trạng ngủ nhiều kéo dài hàng tháng khiến chị không kiểm soát nổi mình, mọi sinh hoạt đảo lộn, tính tình cũng thay đổi. Chị dễ cáu gắt, hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè, thậm chí với cả chồng. Cuối cùng chị phải đi khám, bác sĩ kết luận chị bị rối loạn giấc ngủ có dấu hiệu bệnh trầm cảm nhẹ.
Cũng rơi vào tình trạng buồn ngủ triền miên như chị Vân, chị Mai Phương ở Quận Gò Vấp, Tp.HCM được chẩn đoán có dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ và huyết áp thấp.
Chị Phương cho hay, mấy tháng nay chị thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày mặc dù đêm nào cũng ngủ từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Thấy sức khỏe có nhiều biểu hiện bất thường nên chị đi khám làm xét nghiệm máu, đo huyết áp, xác định độ đường trong máu và các hormone tuyến giáp,… Bác sĩ kết luận chị bị trầm cảm kèm theo chứng huyết áp thấp.
Ngủ quá nhiều còn nguy hiểm hơn ngủ ít. Ảnh minh họa
Ngủ nhiều nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm
Rối loạn giấc ngủ là thời lượng giấc ngủ không cố định, biến đổi tùy theo giai đoạn. Rối loạn giấc ngủ gồm mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu, ngủ quá nhiều, ngủ ngày, có các hành vi bất thường trong khi ngủ,… làm ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ hoạt động, tình trạng sức khỏe cũng như lối sống. Trong đó ngủ nhiều có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trần Hữu Bình, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thông thường, ngủ nhiều hoặc thường xuyên rơi vào trạng thái thèm ngủ là hệ quả tất yếu của việc cơ thể đã thức quá lâu, mệt mỏi, lao lực vì công việc hoặc, trầm cảm, kiệt sức sau khi ốm.
Thời lượng của giấc ngủ trên thực tế không có một quy chuẩn nhất định nào cả vì điều này phụ thuộc vào cơ thể cũng như độ tuổi của mỗi người.
Với người đã trưởng thành thì thời lượng của giấc ngủ cần thiết cho mỗi đêm là 6-9 tiếng. Tuy nhiên, với những người có sức khỏe tốt, ổn định thì có thể quãng thời gian này chỉ là 7- 8 tiếng.
Ngủ nhiều không những không giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn mà thậm chí còn khiến cho tình trạng mệt mỏi xuất hiện nhiều hơn. Về lâu dài ngủ nhiều sẽ là tiền nguyên nhân của hiện tượng trì trệ tâm lý, tác động xấu đến tinh thần, dễ trầm cảm, gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch… nhất là ngủ nhiều còn gây các bệnh về tim mạch.
Vì khi làm việc, tim sẽ đập nhanh hơn giúp tuần hoàn máu diễn ra ổn định, thúc đẩy máu lên não tốt. Khi con người rơi vào trạng thái ngủ, tim cần nghỉ ngơi, nhịp tim giảm. Do đó, việc ngủ nhiều khiến tim quen với việc nhàn rỗi nên khi làm việc, dù chỉ là một công việc nhẹ cũng khiến tim đập nhanh, lâu dần dẫn đến rối loạn nhịp tim, yếu tim, thậm chí suy tim…
Bác sỹ Bình còn nhấn mạnh ngủ nhiều có thể khiến bạn mắc nhiều bệnh khác như: bệnh dạ dày vì bạn không ăn cơm đúng giờ, thậm chí nhịn ăn nên dẫn đến hiện tượng rối loạn quá trình tiết dịch vị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của hệ tiêu hóa. Ngủ quá nhiều không có giờ giấc sẽ phá vỡ nhịp đồng hồ sinh học của mỗi người, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần là bệnh trầm cảm nặng thêm.
Không những thế, ngủ quá nhiều còn làm tăng nguy cơ tử vong. Những người trưởng thành ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi đêm thì nguy cơ tử vong sẽ cao gấp đôi so với những người ngủ 7 giờ một đêm.
Vì vậy, bác sỹ Bình khuyên khi có những biểu hiện bất thường về giấc ngủ như thèm ngủ liên tục, ngủ nhiều, ngủ lịm,… hãy đi khám để xác định rõ nguyên nhân, điều trị dứt điểm.
(Theo afamily)