Bỏ mạng xứ người vì trầm
Ở Quảng Bình có hai làng trai tráng chuyên qua Thái Lan, Myanmar, Malaysia… tìm trầm. Dù hàng chục người đã phải bỏ mạng nơi xứ người nhưng các phu trầm vẫn lao vào giấc mộng đổi đời.
Làng Gia Hưng, xã Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) được mệnh danh là phủ trầm. Trong làng toàn phụ nữ, trẻ con và người già, tuyệt nhiên không thấy thanh niên. Cụ Nguyễn Choàng (78 tuổi) giải thích, trai tráng ở đây đã qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar… làm trầm rồi.
Theo trưởng công an xã Hưng Trạch Hoàng Văn Mến, Gia Hưng (gồm ba thôn 1, 2 và 3) có hơn 700 người đi tìm trầm ở các nước láng giềng. “Dân vùng Gia Hưng đi trầm nhiều lắm. Họ đi trầm ở nước ngoài vài ba năm về một lần, không đi kiểu cò con”, ông Mến nói.
Nếu nơi khác phu trầm chỉ việc vào rừng tìm trầm rồi mang về bán cho bất kỳ thương lái trả giá cao nào thì ở Gia Hưng, hoạt động này được tổ chức khá quy mô, bài bản. Một phu trầm cho biết, đầu đường dây là “chúa trầm”, tiếp sau là “vua trầm” rồi “huyện trầm”.
Chồng bị bắn chết khi đang tìm trầm ở Thái Lan, một mình Nguyễn Thị Lưu (28 tuổi) phải nuôi mẹ chồng và hai con nhỏ. Ảnh:Pháp luật TP HCM. |
Phu trầm là mắt xích cuối cùng. Để quản lý, các “chúa trầm” phân cho “vua trầm” mỗi đường dây chừng trăm người. Mỗi đường dây đó lại phân ra thành nhiều đội, có nơi gọi là xâu, mỗi xâu chừng 10-15 phu trầm, đứng đầu mỗi xâu có “cai trầm”. “Cai trầm” là tay chân thân tín hoặc của “huyện trầm”, “vua trầm” hoặc “chúa trầm”.
Malaysia là vùng trầm trọng điểm của dân “phủ trầm” Gia Hưng. Các xâu trầm đi qua đó bằng hộ chiếu du lịch, đường dây của các “chúa trầm” cho người ở sẵn bên đó đón và đưa vào rừng khai thác, nếu có trầm sẽ được bán tận gốc. Tiền được chuyển về gia đình các phu trầm thông qua kênh riêng tin cẩn của “chúa trầm”, không gửi bằng ngân hàng, sợ kiểm kê bị lộ và sợ các băng nhóm trầm khác cạnh tranh.
Cách Gia Hưng về hướng nam chừng 50 km là làng trầm Trúc Ly (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Làng này vốn chuyên đánh bắt thủy sản trên sông Nhật Lệ và đầm nước lợ trước mặt, nhưng những năm 80 của thế kỷ trước, một số người bỏ chài lưới vào rừng kiếm trầm.
Từ đó, làng Trúc Ly lấy việc đi tìm trầm làm nghề chính, hiện cả làng có hơn 500 người theo nghề. Những năm gần đây, làng trầm Trúc Ly lại lũ lượt xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội mới. Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay có hơn 150 người làm hộ chiếu đi nước ngoài, chủ yếu là để đi trầm.
Cũng như “phủ trầm” Gia Hưng, người làng Trúc Ly đi trầm ở Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Khi đến nơi, các phu trầm ở hai vùng này sẽ được trang bị điện thoại vệ tinh để giao dịch. Tổ chức của hai làng trầm này rất chặt chẽ, ai vi phạm sẽ bị xử theo “luật” do “chúa trầm” đặt ra.
Nếu tiết lộ ai là chủ trầm, các phu trầm sẽ bị xử từ chặt đứt ngón tay đến thủ tiêu. Phu trầm bị bắt, tuyệt đối người làng không được tiết lộ cho báo chí mà để cho hội trầm lo. Nhưng theo một người am hiểu thì “nói là để hội lo nhưng có ai lo đâu, chúng thả mặc, khi nào xong án tù thì về”.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh cho biết trong năm 2012 làng Trúc Ly có 7 người đi trầm bị bắn chết ở Thái Lan. Năm 2011, cũng làng Trúc Ly có chín người bị bắn chết khi đi trầm ở rừng nước khác.
Một trong số nạn nhân là chồng của chị Nguyễn Thị Lưu (28 tuổi) ở thôn Trúc Ly. Ôm hai con nhỏ ngủ trong cái nắng đầu mùa, chị Lưu khóc ngất khi nhắc đến chồng. Anh bị bắn chết khi đang ôm ba lô trầm chạy giữa rừng Thái Lan nhằm trốn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát nước sở tại.
Trước đó, do xây căn nhà trị giá 300 triệu đồng nhưng còn nợ nhiều nên chồng chị đành theo chúng bạn sang Thái Lan làm phu trầm những mong kiếm tiền trả nợ. “Không ngờ chuyến xuất ngoại tìm trầm đầu tiên của anh đã trở thành chuyến đi định mệnh và anh đã bỏ xác giữa quê người”, chị Lưu khóc. Mất chồng, chị Lưu giờ sống không nghề nghiệp nhưng phải nuôi hai con nhỏ cùng mẹ chồng 80 tuổi.
Một trong bảy phu trầm làng Trúc Ly (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) bị bắn chết ở Thái Lan năm 2012. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
Cùng cảnh ngộ với chị Lưu là chị Nguyễn Thị Nhung. Chồng chị Nhưng đi tìm trầm nhiều chuyến nhưng không đủ chi phí, đành tính đi chuyến nữa mong trả dứt nợ. Không ngờ lần đi đó anh chết bất đắc kỳ tử giữa rừng sâu nước bạn. Mất chồng, con nhỏ mới hai tuổi, không tiền mưu sinh, Nhung đành gửi con lại cho bố mẹ già rồi qua Lào làm ăn.
Đó là hai trong số bảy góa phụ làng trầm Trúc Ly mất chồng năm 2012. Người làng còn nói danh sách chắc không dừng lại ở đó, bởi con em họ đang đạp cội (tìm trầm) ở nhiều vùng rừng của các nước, may rủi không biết thế nào.
Trưởng Công an xã Hưng Trạch Hoàng Văn Mến cho biết, hai năm trở lại đây chưa có ai chết nhưng trước đó thì chết nhiều. Năm nào cũng có vài ba người bị bắn vì đi trầm ở nước ngoài. “Nay thì chắc là do giàu có, hối lộ giữa rừng được nên thoát thân mà về chứ nghe kháo nhau là bị cướp cũng lắm”, ông Mến nói.
Một phu trầm giải nghệ xót xa: “Khi chưa đi vào sâu cho đường dây thì huyện trầm, vua trầm hứa hẹn tưng bừng. Nhưng vào đó rồi thì nó cho vay cắt cổ, được trầm nó nghiễm nhiên được 50%, phu trầm chỉ còn một nửa. Mà nào có hưởng được hết phần đó đâu! Nó trừ đủ thứ, từ vé máy bay đến tiền ăn, tiền điện thoại vệ tinh, tiền bảo kê… hầm bà lằng các thứ. Cuối cùng phu trầm chỉ còn chút tiền còm. Chết bỏ mạng thì chúng cúng hương vài triệu đồng, có tay nào thương thì bỏ thêm, không thì đành chịu. Đời phu trầm đau đớn rứa đó, đầy máu và nước mắt…”.
“Phủ trầm” xuyên quốc gia không những chứng kiến cảnh phu trầm bị chết do xâm nhập bất hợp pháp rừng các quốc gia khác mà còn bị bắn chết bởi thổ phỉ. Nhưng đó chưa là tất cả. Ông Mến cho biết: “Năm 2012 có 25 người Gia Hưng bị Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan bắt bỏ tù. Chừ có thả một ít, còn chừng bảy người nữa bị tù nặng, chưa có thông tin bao giờ được thả”.
Trong khi đó, làng trầm Trúc Ly có 10 người bị Thái Lan bắt giữ. Bà Phạm Thị Huyền đang phải cùng con gái nhặt ve chai bòn tiền lẻ để vừa mưu sinh qua ngày, vừa dồn tiền chuộc cả chồng và con rể đang bị giam mấy năm nay ở Thái Lan chưa được thả. Chồng con họ bị bắt vì khai thác trầm kỳ trái phép trong rừng của nước này. Người làng nói với nghề lượm ve chai, không biết bao giờ họ đủ tiền để chuộc chồng con.
Trầm hương là phần gỗ của cây dó bầu bị nhiễm dầu. Một số loài dó trong quá trình sinh trưởng, do những tác động nào đó, gây ra những tổn thương/nhiễm bệnh, lâu ngày cây tích tụ một chất dạng nhựa (dầu), rồi lan dần ra, làm biến đổi các phân tử gỗ, tạo nên nhiều màu sắc (đen, nâu, chàm, xám…), nhiều tính chất (cứng, mềm, dẻo, dòn…), nhiều mùi vị (đắng, cay, chua, ngọt…), nhiều hình dáng (tròn, xoắn, nhọn, dài…), ở nhiều vị trí (thân, cành, rễ) trong cây dó. Đó chính là trầm hương, có tên giao dịch thương mại quốc tế Agarwood hay Eaglewood. Đặc điểm nổi nổi bật của trầm hương là tỏa mùi thơm đặc biệt lúc đốt hoặc chưa đốt. Khi hàm lượng dầu lớn hơn 25%, trầm hương có thể chìm trong nước. Loại trầm hương cao cấp có thể đạt hàm lượng dầu 60-80%. |
Theo Pháp luật TP HCM