Câu nói của người đánh cá
Vua Văn Công(1) nước Tấn(2) đi săn ham đuổi một con thú mải theo quá chân, thành lạc vào trong cái chầm(3) lớn không biết lối ra.
Vua gặp một người đánh cá, bèn bảo rằng:
– Ta là vua đây. Ta lạc đường, nhà ngươi chỉ lối cho ta, rồi ta hậu thưởng.
Người đánh cá nói: “Bầy tôi muốn dâng nhà vua một câu”.
Vua bảo: “Cứ đưa ra khỏi chầm đã, rồi muốn nói gì hãy nói”.
Khi người đánh cá đưa vua ra khỏi chầm, vua phán rằng:
– Nào câu gì nhà ngươi muốn nói với quả nhân(4) lúc nãy thì nói nghe đi.
Người đánh cá thưa: “Chim hồng(5), chim hộc(6) ở bờ sông, bờ bể, chắn sông bể mà vào đầm thời tất mắc phải dò bẫy. Thuồng luồng, ba ba ở đáy vực sâu, chán vực sâu mà ra chỗ bãi nóng, thời tất bị phải chài lưới. Nay nhà vua đi săn, sao quá chân vào đến tận đây như thế?”.
Vua Văn Công bảo: “Ngươi nói phải lắm”.
Đoạn, ngoảnh lại truyền quan hầu ghi tên người đánh cá để sau ban thưởng.
Người đánh cá nói:
– Nhà vua bảo ghi tên bầy tôi làm gì. Xin nhà vua cứ tôn kính thiên địa, xã tắc(7), phòng giữ biên thuỳ, thương yêu muôn dân, đánh nhẹ thuế má, tự khắc là bầy tôi được dự hưởng ơn huệ của nhà vua rồi. Nếu nhà vua chẳng tôn kính thiên địa, xã tắc chẳng phòng giữ biên thuỳ, chẳng chăm công việc, bên ngoài không khéo xử với các nước, bên trong mất cả lòng muôn dân, để đến nước mất dân khổ, thì dù bầy tôi có được hậu thưởng, cũng không thể giữ mà hưởng một mình được.
Người đánh cá cố từ, xong rồi lại nói:
– Xin vua mau mau về nước, tôi đây cũng về chỗ kiếm cá của tôi.
Lời bàn: Người đánh cá đây là người hiền có ý khuyên vua Văn Công hai điều là: không nên say mê chơi bời săn bắn quá độ mà có khi hại đến tính mình; hết đạo làm vua cho dân được nhờ và nước khỏi mất.
Còn người đánh cá từ chối không nhận thưởng nói cái nhẽ như thế cũng là lo xa nghĩ sâu và phải lắm vậy. Quả thế, khi tổ chim đã đổ thì không còn có cái trứng nào lành; nước đã bị phá tan hay xâm chiếm thì nhà toàn vẹn sao được để mình còn hòng riêng hưởng cuộc yên vui; đời được thái bình thì quí bằng bao nhiêu ân thưởng, tâm không phiền luỵ thì sung sướng bằng bao nhiêu công danh.
____________________________
(1) Văn Công: Vua giỏi nước Tấn về đời Xuân Thu
(2) Tấn: Nước to đời Xuân Thu ở tỉnh Sơn Tây ngày nay.
(3) chầm: một làn nước rộng xung quanh có nhiều cây cỏ
(4) quả nhân: người ít đức, tiếng vua dùng để tự xưng mình một cách khiêm tốn
(5) hồng: loài chim ở bờ song, bãi bể, lưng xám, cánh đen, bụi trắng, tính hùng dũng và nhanh nhẹn
(6) hộc: loài ngỗng trời, toàn thể sắc vàng, bay cao, tiếng kêu to
(7) xã tắc: xã: nền đất để tế Hậu Thổ (thần Đất), tắc: nơi tế thần Lúa. Xã tắc dùng có nghĩa như quốc gia.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)