Giải mã về căn bệnh tự kỷ của “Người mưa” Kim Peek
Các chuyên gia của NASA đã nghiên cứu những khả năng đặc biệt của công dân Mỹ Kim Peek, người đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật chính của bộ phim nổi tiếng Holywood “Rain man” (Người mưa).
Chỉ đọc một lần đã thuộc lòng cuốn sách dày
Kim là một người mắc bệnh tự kỷ (autism – một chứng bệnh tâm lý theo xu hướng quá hướng nội và rối loạn trong giao tiếp), nhưng đồng thời với nó anh lại có những khả năng kiệt xuất khác.
Giáo sư Darold Treffert – một chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu các hội chứng liên quan đến bệnh tự kỷ tại Bệnh viện Wisconsin – đã nhiều năm qua là người theo dõi tình trạng của Kim.
Ông nhớ lại: Kim gần như không phản ứng trước bất kỳ một sự biểu lộ tình cảm nào, khiến Treffert đôi khi phải làm những trò hề để lôi kéo sự chú ý của anh ta, ví dụ như nằm bò xuống sàn. Đôi khi Kim rơi vào trạng thái hốt hoảng nhưng điều khiến Treffert phải khâm phục tất nhiên là những khả năng đặc biệt của Kim. Chỉ cần đọc một lần, anh ta đã gần như thuộc lòng cuốn sách dày của nhà sử học người Anh Eduard Gibbon “Ngày tàn và sự sụp đổ của đế chế La Mã”. Ngoài ra, Kim còn có thể đọc tên họ của bất cứ một thuê bao nào trong sổ danh bạ điện thoại.
Nhưng tình trạng của Kim đã thay đổi khi dần thoát khỏi những triệu chứng căn bệnh của mình. “Chỉ sau vài năm, cái tính chất cực kỳ thụ động của người mắc bệnh tự kỷ đã biến mất. Anh ấy có thể tỏ ra bình thản ngay giữa đám đông người, một điều trước đây là gần như không thể” – Giáo sư Treffert cho biết.
Kim Peek, một bệnh nhân tự kỷ, trở thành nguyên mẫu cho phim “Người mưa” |
Vào năm 2005, “Người mưa” gần như đã đi lại trên khắp các bang ở nước Mỹ để diễn thuyết về y học và tâm lý. Mỗi lần như vậy, anh ta đều phát biểu trước hàng ngàn thính giả. Tuy đã ngoài 50 tuổi, nhưng chỉ số trí tuệ của Kim lại đang tăng lên, các khả năng của não không những không bị lão hóa mà còn tiến bộ thêm. Các nhà khoa học hiện đang đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi này. Một nhóm các chuyên gia từ Trung tâm khoa học nghiên cứu cuộc sống trong không gian vũ trụ của NASA đã quyết định tập trung nghiên cứu não của bệnh nhân tự kỷ nổi tiếng nhất thế giới này.
Bệnh tự kỷ còn kèm theo nhiều hội chứng khác nhau. Kết quả quan sát trong nhiều năm cho thấy, mỗi người bệnh đều có lĩnh vực xuất sắc riêng của mình.
Ví dụ như hội chứng Pradera-Willy (có ở nhiều người mắc bệnh tự kỷ) có đặc điểm là con người có thể nghiến ngấu đồ ăn không hạn chế, do anh ta luôn có cảm giác đói bụng. Nhưng những người mắc hội chứng này có thể đoán ra những câu đố phức tạp về mặt logic nhanh gấp 2 lần so với người bình thường.
Còn hội chứng nhà bác học, hay còn gọi là Savant-Syndrome (theo thuật ngữ của giáo sư Treffert) lại đặc biệt hiếm trên thực tế. Trên thế giới hiện chỉ có khoảng hơn 50 bệnh nhân tự kỷ có hội chứng này.
Chỉ nghe tiếng động cơ đoán đúng nhãn hiệu chiếc xe hơi
Ngoài Kim Peek, Treffert cũng đang theo dõi một trường hợp khác của Math Savage, một cậu bé mới 12 tuổi. Dù kém nổi tiếng hơn Kim Peek rất nhiều, nhưng Savage cũng có những khả năng đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc. Lúc mới 6 tuổi, cậu đã hoàn tất bản sonata của Schubert trên chiếc đàn piano điện tử dành cho trẻ con của mình. Tiếp theo, cậu bé lại thường xuyên cố chơi các tác phẩm cổ điển nổi tiếng theo cách của mình. Khi giáo viên dạy nhạc yêu cầu sửa thì cậu lại phản đối và cho rằng, phương án của mình “nghe đúng hơn”.
Chỉ một năm sau, cậu bé mắc bệnh tự kỷ này đã tự viết tác phẩm nhạc jazz đầu tiên của mình. Ngày nay, Savage đã trở thành một chuyên gia soạn nhạc jazz và đang hoàn tất album thứ 5 của mình. Nhưng tài năng của Savage không chỉ có vậy. Ngồi trong nhà, cậu chỉ cần nghe tiếng động cơ nổ cậu cũng đoán đúng nhãn hiệu của chiếc xe hơi. Giáo sư Treffert cho biết, trong một cuộc tiếp xúc, Savage đã hỏi ngày sinh của ông, sau đó xác định ngay là ngày thứ hai. Cậu còn có khả năng đếm chính xác số tăm trong một gói bọc kín khoảng 300 chiếc.
Trong số các bệnh nhân của Treffert, còn có những người có khả năng nhân những cột số dài tới 3 hay 4 chữ số, sau đó đọc ra kết quả lũy thừa bậc 3 của chúng chỉ sau vài giây, trong khi họ lại không thể diễn tả một cách mạch lạc suy nghĩ của mình. Giáo sư Treffert cho rằng, những khả năng kiệt xuất này được nảy sinh từ bán cầu phải của não.
Còn có giả thuyết cho rằng, những bệnh nhân tự kỷ ra đời với bộ não có kích thước nhỏ hơn những người thông thường. Nhưng ngay từ năm đầu tiên, não của họ đã phát triển rất nhanh, khiến cho đến lúc 4-5 tuổi đã bằng với kích thước não người lớn, một hậu quả tác động của testosteron.
Tiến sĩ Edwin Cook, Trường đại học Tổng hợp Chicago lại phản đối giả thuyết trên. Ông cho rằng, nguyên nhân phát triển bệnh tự kỷ là do một loại virus phá hủy sự di chuyển của các tế bào thần kinh trong não trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tất cả các nhà khoa học đều tỏ ra rất thận trọng khi đánh giá về nguyên nhân do di truyền hay tác động của hormone.
Theo CAND/Itogi