23 triệu người Trung Quốc bị cấm đi du lịch vì điểm ‘tín dụng xã hội’ thấp
Hàng chục triệu người Trung Quốc có ý định đi du lịch đã bị chặn mua vé máy bay và tàu hỏa vì hệ thống tín dụng xã hội của chính phủ xếp loại họ vào “nhóm rủi ro”.
Quá nhiều cho một kỳ nghỉ
Năm 2018, 17,5 triệu người đã bị cấm mua vé máy bay ở Trung Quốc và 5,5 triệu người đã bị cấm đi tàu. Tổng cộng có 23 triệu người phải đối mặt với lệnh cấm du lịch. Trong số đó, 128 người đã bị ngăn không cho rời khỏi đất nước.
Các phương tiện truyền thông đưa tin, người dân Trung Quốc đã bị cấm mua vé do điểm tín dụng xã hội không tốt. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Thông tin tín dụng công cộng Quốc gia, các điểm dữ liệu được thu thập từ “hành vi không đáng tin cậy” đã lên đến tổng cộng hơn 14 triệu điểm. Không nộp thuế, không trả được nợ và tham gia quảng cáo sai sự thật là một số lý do làm giảm điểm tín dụng xã hội của công dân.
Trung Quốc đã chứng kiến một sự thay đổi căn bản qua việc thực hiện hệ thống tín dụng xã hội. Hệ thống này được sử dụng để đo lường mức độ ‘tốt’ của công dân mà chính phủ Trung Quốc cho là cần thiết. Chính phủ nước này cho biết: “Giữ vững sự tín nhiệm là vinh quang, còn phá vỡ tín nhiệm là ô nhục”.
Vì vậy, nếu một công dân không trả được thuế, điều này sẽ được thể hiện qua chỗ đứng của họ trong hệ thống tín dụng xã hội. Về cơ bản, hệ thống này chấm điểm cho mọi công dân Trung Quốc, trong đó những người tốt, những công dân tuân thủ luật pháp sẽ được hưởng đặc quyền nhiều hơn những người có điểm thấp. Việc này không ngoại trừ bất cứ ai.
“Công dân xấu”, hay những người có điểm số thấp sẽ bị cấm sử dụng một số phương tiện công cộng cơ bản, chẳng hạn như đi máy bay hoặc tàu hỏa. Danh sách các hình phạt thực sự là khá nhiều. Nếu một người chơi game điện tử mà không thanh toán hóa đơn, tốc độ Internet của người đó có thể bị giảm. Một công dân Trung Quốc từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể bị cấm theo học tại các trường tốt nhất hoặc cấm đăng ký vào các khách sạn chất lượng nhất. Những công dân được phân loại vào nhóm người “phá vỡ sự tín nhiệm” sẽ bị hạn chế có được các công việc cấp cao, và nhiều đặc quyền khác.
Hệ thống công bằng hay bị lạm dụng?
Theo cựu quan chức Trung Quốc Hou Yun Chun, hệ thống này là cần thiết để xác định mức hình phạt thích đáng cho công dân. Ông giải thích: “Nếu không gia tăng cái giá phải trả cho việc làm mất uy tín, nghĩa là chúng ta đang khuyến khích những công dân có hành vi đánh mất uy tín cứ tiếp tục làm như vậy”. Nhưng nhiều người lo ngại rằng hệ thống tín dụng xã hội này có thể không thực sự thỏa đáng.
Cheng Xiaonong, một nhà kinh tế Trung Quốc đến từ Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng hệ thống ngăn chặn hàng triệu công dân đi du lịch này đã bị sử dụng sai mục đích. Ông Zhi Zhenfeng, giám đốc bộ phận luật công nghệ thông tin tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết vào năm 2018: “Việc hạn chế cơ hội kinh doanh hoặc đặc quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của một người phải phù hợp với mức độ và phạm vi mà anh ta hoặc cô ta đã đánh mất uy tín của mình”. (Theo Global Times)
Hệ thống tín dụng xã hội giám sát mọi động thái và hành vi của người dân. Ý tưởng này đánh vào nỗi sợ hãi trong tâm trí của nhiều công dân Trung Quốc. Họ sợ rằng mình có thể trở thành nạn nhân của hệ thống tín dụng xã hội. Tuy nhiên, cũng có những người Trung Quốc thực sự chấp nhận việc này. Đối với họ, giám sát liên tục và xâm phạm quyền riêng tư chỉ là những hy sinh nhỏ cho một giá trị mà quốc gia họ đang thiếu – đó là niềm tin.
Đến bây giờ, hệ thống tín dụng xã hội vẫn hoạt động và hiện đang được điều hành bởi hội đồng thành phố hoặc nền tảng công nghệ tư nhân ở một số khu vực tại Trung Quốc. Đến năm 2020, hệ thống sẽ hoạt động đầy đủ trên toàn quốc.
Bảo San (Theo Vision Times)
Xem thêm: