Cận cảnh công nghệ làm bánh trung thu ‘siêu rẻ’
Bánh
Trung thu “hàng chợ” bán với giá “bèo”, chỉ với giá từ 15.000 – 20.000
đồng/chiếc, khiến nhiều người phải giật mình. Đến làng nghề bánh kẹo, La
Phù (Hoài Đức – Hà Nội) mới thấy được công nghệ sản xuất bánh “siêu rẻ”
và các kiểu “phù phép” của các cơ sở sản xuất bánh kẹo Trung thu trở
thành hàng hiệu…
Đến La Phù thời gian này, đáng lẽ ra
làng nghề phải sản xuất rầm rộ, xe cộ ra vào tấp nập, nhập hàng, xuất
hàng… tiếng rao, gọi ý ới, nhưng trái ngược với dự đoán của chúng tôi,
làng nghề khá im lìm, bởi hầu hết các cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở
làng nghề đều “hoạt động” khá bí mật, cửa sắt đóng kín mít. Phải nhờ mối
quen giới thiệu mới có thể xâm nhập được.
Công đoạn làm nhân bánh thủ công, môi trường xung quanh ô nhiễm |
Tìm đến cơ sở có tên
là M.L mới giải nghệ, may mắn chúng tôi được ông chủ này tiết lộ cho các
“thủ thuật” lừa người tiêu dùng như giảm trọng lượng bánh, bớt nhân,
tăng vỏ bánh… tất nhiên là quảng cáo vẫn đầy đủ các thành phần. Khi
được hỏi vì sao mà giải nghệ, ông chủ M.L cho biết, làm ăn như vậy không
có lương tâm và nhiều người làm quá, không ăn thua, nên giải nghệ…
chuyển sang kinh doanh tạp hóa.
Theo giới thiệu của chủ cơ sở M.L
chúng tôi tìm đến, xưởng sản xuất bánh của chị H, nằm gần cuối làng.
Xưởng sản xuất bánh Trung thu là gian bếp ẩm thấp được nới rộng thêm
bằng những tấm phông, bao tải cũ rách, ố vàng… cùng với đồ đạc lỉnh
kỉnh, nguyên liệu làm bánh ruồi bay vo ve ở dưới nền đất…
Theo
quan sát của chúng tôi, bên cạnh đó có khoảng 3 – 4 nam thanh niên mặc quần
soóc, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại đang sản xuất bánh bằng… tay trần,
không hề có thiết bị bảo hộ vệ sinh, liên tục hoạt động. Họ sản xuất
bánh theo ngẫu hứng,không tuân theo một dây chuyền sản xuất nào, mỗi
người tự đảm nhiệm hết các khâu từ tra nhân, làm nhân, đúc bánh vào
khuôn, đặt bánh lên lò nướng (lò đốt than thủ công),… rồi thậm chí là
kiêm luôn cả việc xúc than đổ vào lò.
Phần lớn nguyên liệu làm bánh Trung thu làng nghề nhập không rõ nguồn gốc |
Được
người quen giới thiệu và lấy lý do muốn đặt bánh kinh doanh, chúng tôi
cần gặp chủ cơ sở sản xuất H, thì được một nam thanh niên lực lưỡng chặn
lại. Khi được chủ H cho gặp, thanh niên này, bám theo để giám sát, cảnh
giác chúng tôi…
|
Chị H, chủ xưởng bánh chỉ cho tôi xem một số mẫu mã
bánh nướng, bánh dẻo và giới thiệu, ở đây chỉ sản xuất một loại bánh,
khác nhau là có loại to, loại nhỏ, toàn bộ số bánh này đều là bánh trần,
được đóng gói sơ sài bằng lớp bóng kính mỏng.
Chị H giải thích
với chúng tôi vì đóng gói bằng lớp giấy bóng sơ sài là do yêu cầu của khách
quen, họ chỉ thích đặt loại bánh trần không nhãn mác ở đây sản xuất, giá
vừa rẻ mà lại có thể tự dán nhãn mác của cửa hàng mình hoặc thương hiệu
nổi tiếng nào đó đang thịnh hành trên thị trường đóng vào hộp bán với
giá cao gấp 5 – 7 lần giá gốc…
Để làm công đoạn này, theo chủ M. L
“bật mí” nếu có nhãn mác, mẫu mã, bao bì thương hiệu nổi tiếng, thì chỉ
mất từ 2 –3 ngày là có sản phẩm hàng hiệu bán trên thị trường. Những
hộp bánh trung thu được sản xuất thủ công từ cơ sở nào đó sẽ được khoác
trên mình nhãn mác của nổi tiếng trước khi tung ra thị trường.
Thậm chí,
trên nhãn mác bánh của cơ sở này in hạn sử dụng đến một tháng rưỡi,
trong khi tại nhãn mác mà cơ sở đã đăng ký chỉ có hạn sử dụng một
tháng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ nguyên liệu làm
bánh Trung thu ở La Phù như đậu xanh, bột mì, thịt gà, thịt mỡ… được
nhập từ những “mối hàng quen” trong làng hoặc từ chợ Đồng Xuân, nên
không có bất kỳ một loại giấy tờ hay hoá đơn chứng từ nào chứng minh
nguồn gốc xuất xứ…
Phần lớn nguyên liệu làm bánh Trung thu làng nghề nhập không rõ nguồn gốc |
Với công nghệ làm bánh “siêu rẻ” và nguyên
liệu không rõ nguồn gốc, những chiếc bánh khi ra lò chỉ có giá từ chừng
15 – 20.000 đồng/chiếc ( loại bánh trần, nhân thập cẩm), tức là từ 45 –
60.000 đồng/hộp ( 3 chiếc). Loại bánh này, nếu bán trên thị trường thì
có giá “siêu rẻ” bằng 1/7 giá bánh Trung thu hàng hiệu, trong khi đó,
giá bánh ở đây đã tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng so với trước, do giá
nguyên liệu tăng mạnh.
Chính
vì vậy, nhiều chủ cơ sở sản xuất cho rằng, mức tiêu thụ năm nay có thể
giảm đi so với những năm trước.
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở không dám
sản xuất ồ ạt mà chỉ làm theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, do nguồn gốc
nguyên liệu bánh không rõ ràng, không có kiểm định về an toàn thực phẩm,
nhãn mác sơ sài, không ghi hạn sử dụng, ngày sản xuất… nên nhiều cơ
sở rút vào hoạt động bí mật, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Ba – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường
huyện Hoài Đức cho biết, cơ quan chức năng cũng biết thực trạng này,
nhưng chưa tìm được cách nào để kiểm soát. Bởi vì, khi chúng tôi đến
kiểm tra tại cơ sở sản xuất thì đều đóng kín cửa, biết có lực lượng thị
trường thì ngừng sản xuất, tẩu tán nguyên liệu…
Thậm chí bánh đều được
chủ cơ sở dán nhãn mác hoặc là đã đăng ký dán nhãn mác thương hiệu nổi
tiếng. Bên cạnh đó, đa số cơ sở sản xuất bánh thường xuất bánh trần đi
vào ban đêm, lực lượng kiểm tra quá mỏng nên không thể kiểm soát được…
Chính
vì sự bất lực của cơ quan chức năng, những cơ sở làm bánh “siêu rẻ”,
“phù phép” bánh Trung thu mất vệ sinh an toàn thực phẩm thành “hàng hiệu” tại La Phù
vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo infonet
(vtc.vn)