Vô cớ mất việc
Nhân viên Công ty TNHH Thực phẩm Hòa hợp Á Châu bất bình vì công ty cho nghỉ việc bằng tin nhắn “Chị đã suy nghĩ và quyết định đã đến lúc thay đổi hoàn toàn nhân sự của công ty, chị quyết định cho Ngân nghỉ việc ngay ngày hôm nay. Ngân có thể đến lấy mấy thứ linh tinh về, đến ngày 30-6 đến nhận lương”. Đây là tin nhắn của bà Trương Thị Yến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hòa hợp Á Châu (quận 3-TPHCM), gửi nhân viên của mình là chị Phạm Thị Kim Ngân. “Tôi đang làm việc và hết sức bất ngờ khi nhận được tin nhắn này” – chị Ngân cho biết.
Sẽ trả lương khi bán được hàng
Ngày 12-4, chị Ngân vào làm việc tại Công ty TNHH Thực phẩm Hòa hợp Á Châu với chức danh giám đốc truyền thông, mức lương 750 USD/tháng cộng với 900.000 đồng phụ cấp. Đến ngày 22-6, chị Ngân nhận được tin nhắn với nội dung trên từ bà Trương Thị Yến. “Tôi không hề biết lý do gì mà công ty cho tôi nghỉ việc. Tôi bức xúc với cách hành xử tùy tiện này”. Ngoài chị Ngân, một số nhân viên khác như anh Hoàng Sỹ Kỳ, chị Phan Ngọc Ái, anh Nguyễn Trọng Nhân cũng bị tổng giám đốc nhắn tin cho nghỉ việc.
Khi cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc, công ty còn nợ tiền lương mỗi người từ 10 triệu đến 80 triệu đồng. Bị nợ lương, NLĐ thắc mắc thì công ty hẹn hết lần này đến lần khác. Bà Trương Thị Yến thừa nhận việc cho NLĐ nghỉ việc bằng tin nhắn là không đúng quy định và cho biết sẽ “sớm trả lương cho NLĐ khi bán được hàng”. Tuy nhiên, đến nay NLĐ cho biết vẫn chưa nhận được tiền lương.
Thích thì cho nghỉ!
Anh Somnuck Attaworn (quốc tịch Thái Lan) bị nhà hàng Chăm thuộc Công ty TNHH Khải Đức (quận 7-TPHCM) cho thôi việc bằng… thông báo miệng. Anh Somnuck Attaworn được công ty tuyển vào làm việc từ năm 2008 với chức danh bếp trưởng nhưng không ký hợp đồng lao động. Ngày 14-4-2012, anh đi khám bệnh và được bác sĩ cấp giấy nghỉ ốm 5 ngày, anh báo cho quản lý tên là Phi và người này đã đồng ý. Đến ngày 19-4, anh Somnuck Attaworn trở lại làm việc thì được nhân viên phòng nhân sự thông báo “anh đã bị đuổi việc”. Anh Somnuck Attaworn không đồng ý nên khiếu nại thì nhà hàng buộc nếu muốn làm việc lại phải ký vào 3 biên bản kỷ luật. “Trong quá trình làm việc, tôi không hề vi phạm kỷ luật, nay buộc tôi phải ký vào 3 biên bản vi phạm kỷ luật thì thật vô lý”- anh Somnuck Attaworn nói.
Còn anh Thạch Đại Lộc lại bị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thịnh Hưng Quang (KCN Tân Bình – TPHCM) vô cớ cấm cửa. Anh Lộc cho biết: “Hôm đó, tôi đến công ty làm việc bình thường nhưng giám đốc không cho vào, cũng không nói rõ lý do”. Mãi đến khi nhận được quyết định nghỉ việc, anh mới biết mình bị cho nghỉ việc vì “trộm cắp tài sản của công ty”. “Tôi làm việc cho công ty từ năm 2008. Tôi không hề trộm cắp gì của công ty, sao lại ép tôi nghỉ việc? Nói tôi trộm cắp là xúc phạm danh dự, nhân phẩm; tôi sẽ đấu tranh đến cùng để đòi lại quyền lợi”- anh Lộc bất bình.
Không thể chấp nhận cách làm việc tùy tiện Điều đáng nói là trước bức xúc của NLĐ về việc bị xâm phạm quyền lợi, những người có trách nhiệm tại các đơn vị đều né tránh hoặc cho rằng mình có quyền làm như vậy! Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TPHCM, khẳng định: Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật lao động chứ không thể chấp nhận cách làm tùy tiện như vậy. Còn ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, đề nghị NLĐ gửi đơn đến thanh tra sở để nơi đây tiến hành kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp sai phạm. |
Theo Bảo Ngọc Người Lao Động
(dantri.com.vn)