Nhan sắc và nhà khoa học
Mỗi khi Erika Ebbel Angel đội chiếc vương miện hoa hậu bang Massachusetts xuất hiện trong chương trình TV về khoa học do cô phụ trách, tất cả khán giả trẻ xem truyền hình trực tiếp ồ lên vì ngạc nhiên.
Angle không chỉ là người đẹp từng giành vương miện hoa hậu, mà còn là tiến sĩ hoá sinh, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Science from Scientists và người dẫn chương trình truyền hình khoa học giáo dục có thời lượng 10 phút. Cô cũng sắp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh với việc lập công ty công nghệ sinh học riêng, Livescience đưa tin.
Những phụ nữ có cả sắc đẹp và hiểu biết rộng thường chỉ xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood, nhưng các thư phản hồi gửi tới “Chương trình của tiến sĩ Erika” cho thấy nhiều cô gái trẻ đã lĩnh hội được thông điệp từ việc Angle đeo vương miện trong khi mặc áo trắng của phòng thí nghiệm. Họ muốn trở thành “Công chúa khoa học”.
“Giới khoa học thường cho rằng nếu bạn là một nhà khoa học nữ, bạn không có sở thích nào khác, và nếu bạn là người chơi thể thao thì bạn không quan tâm chăm chút ngoại hình,” Ebbel Angle nói.
Cô Erika Ebbel Angle, hoa hậu bang Massachusetts, đã có bằng tiến sĩ hóa sinh. Ảnh: Livescience. |
Việc tìm cách thu hút các cô gái vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học bằng cách trưng ra vẻ đẹp kiểu kiều nữ của các nhà khoa học đang gây tranh cãi, đặc biệt là xung quanh một cuộc thi hoa hậu khoa học ở Nhật.
Cuộc thi “Miss Rikei Contest” (rikei tiếng Nhật là khoa học) cỡ nhỏ sẽ tổ chức vào ngày 12/9. Sáu người lọt vào vòng cuối cùng đều là sinh viên đại học hoặc nhà nghiên cứu. Họ được chấm điểm dựa trên tiêu chí sắc đẹp, trí thông minh và đóng góp cho việc cải thiện hình ảnh của khoa học.
Trong khi đó, nhiều khoa học cho rằng ngoại hình của những người làm nghiên cứu không nên trở thành đề tài bàn luận, vì ngoại hình của họ cũng đa dạng như những ngành nghề khác, và chỉ nên xét họ dưới khía cạnh chuyên môn.
Chương trình truyền hình của Ebbel Angle được thực hiện nhằm giúp các sinh viên hoạch định kế hoạch khoa học hoặc tìm câu trả lời cho các vấn đề khoa học, nhưng chương trình Miss Rikei Contest được dựng theo cách thức của một cuộc thi sắc đẹp nên nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều nhà khoa học, nhà báo và chuyên gia giáo dục xôn xao sau khi Joanne Manaster, chuyên gia phát triển khoá học trực tuyến và giảng viên khoa học ở Đại học Illinois (Mỹ), cảnh báo trên Twitter về sự tồn tại của cuộc thi này.
“Một trong những trang web tôi tìm thấy đã đăng nhiều bình luận khiếm nhã từ các khán giả nam. Tôi nghĩ những điều này sẽ làm phiền lòng những người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những phụ nữ muốn làm khoa học nghiêm túc,” Manaster nói.
Trong khi một số người cho rằng những cuộc thi như thế chỉ mang tính giải trí, nhiều người chê trách cuộc thi như ở Nhật Bản là “quá hời hợt” khi nhấn mạnh tới khía cạnh sắc đẹp, nữ tính trong giới khoa học.
“Một nhà khoa học nữ sẽ luôn luôn là hình mẫu đẹp cho các sinh viên và các cô gái trẻ khác noi theo, nhờ nỗ lực và thành tựu của nhà khoa học ấy”, một nữ khoa học gia người Nhật đang công tác ở Mỹ phát biểu.
Hình mẫu nhấn mạnh tới vẻ đẹp của nữ giới chỉ làm giảm hứng thú học toán của những cô gái trẻ có tiềm năng và niềm đam mê khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay toán học, một nghiên cứu cho thấy. Theo đó, nếu nhấn mạnh vào vẻ ngoại hình, các cô gái có thể từ bỏ việc theo đuổi khoa học hay toán học, mà chú ý hơn đến những thành quả ngắn hạn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cách tốt nhất để khuyến khích các cô gái trẻ khám phá toán học và khoa học là để học tiếp xúc với những nhà khoa học. Họ cần học hỏi một điều rằng các nhà khoa học cũng đa dạng như trong những ngành nghề khác.
Trúc Quỳnh
(vnexpress.net)