Thập niên 20, Việt Nam có bao nhiêu xe ôtô?
Theo một tài liệu nghiên cứu lịch sử, vào giữa những năm 20, toàn Việt Nam đã có khoảng gần 10.000 chiếc xe hơi. Con số này cho thấy sự phát triển của phương tiện và giao thông ở Việt Nam, tiếc rằng, đó là sự phát triển mang dấu ấn của chế độ thực dân Pháp.
Vào năm 1926, đã có tổng cộng 10.299 xe cơ giới được đăng ký trên toàn Đông Dương, trong có 5678 chiếc ở Nam Kỳ, 2866 chiếc ở Bắc Kỳ và 966 chiếc ở Trung kỳ. Những con số này ở Campuchia và Lào lần lượt là 683 và 106.
Các chủng loại xe được phân ra như sau: 7.479 xe ô tô con, 1.532 xe ô tô cỡ lớn, 1288 xe gắn máy. Hầu hết những chiếc xe lớn được sử dụng cho giao thông công cộng. Với sự thịnh hành của việc du lịch bằng ôtô, dịch vụ xe buýt đã phát triển mạnh.
Giá trị nhập khẩu của những chiếc ôtô trong thời kì này cũng tăng chóng mặt. Nếu như vào năm 1915, tổng giá trị nhập khẩu ôtô vào Đông Dương chỉ đạt mức 1 triệu franc thì vào năm 1920, con số này là 33 triệu franc.
Năm 1921, giá trị nhập khẩu giảm xuống còn 13 triệu franc khi thuế nhập khẩu được hạ 50%. Vào năm 1927, chỉ riêng Nam Kỳ đã nhập khẩu 2.092 ôtô với trị giá 55 triệu franc.
Ở khắp nơi trên toàn cõi Đông Dương, sự phát triển của ôtô đã khiến doanh thu đường sắt suy giảm mạnh. Từ năm 1926, những người quản lý đường sắt đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách hạ thấp mức phí lưu thông trên quãng đường từ Bắc Kỳ tới Trung Kỳ. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả, giúp giao thông đường sắt lại trở nên khởi sắc.
Một hệ quả khác của sự phát triển giao thông đường bộ là chính quyền thuộc địa phải cải thiện mạng lưới đường cao tốc của các vùng, thay thế những cây cầu gỗ cũ bằng cấu trúc bê tông cốt thép vững chắc, cho phép sự hoạt động của xe tải. Theo ước tính, mạng lưới đường bộ ở Đông Dương đã mở rộng gấp 3 lần trong vòng 15 năm.
(Theo Autodaily/ TTTĐ)