DN vắng chủ: Bỏ của chạy lấy người
DN vắng chủ: Bỏ của chạy lấy người
đã “bỏ của chạy lấy người” từ năm 2010 nhưng DN đến nay chưa bị xử lý. Ảnh: V. Nam
Người lao động lao đao, ngân hàng loay hoay với nợ xấu, chủ đầu tư KCN cũng không thể cho DN mới thuê đất tại vị trí DN bỏ trốn… hàng loạt vấn đề nhức nhối cần được giải quyết song chính quyền và DN ở Đồng Nai vẫn đang phải… chờ vì chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân này.
Những cái “chết” chờ “chôn”
Theo thống kê, Đồng Nai hiện có 166 DN vắng chủ, trong đó có nhiều chủ DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn gần 10 năm nay. 6 tháng đầu năm nay, Đồng Nai đã có thêm 3 ông chủ DN vốn FDI ở các khu công nghiệp (KCN) Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa 2 một đi không trở lại. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai rối như tơ vò vì không sao liên lạc được, đành đưa vào danh sách DN vắng chủ chờ xử lý.
DN có chủ vắng lâu nhất từ năm 2004 là Cty Olldo VN ở KCN Nhơn Trạch II và Cty TNHH xây dựng Koravina ở KCN Sông Mây. Những dự án vắng chủ, tài sản của DN đã được thế chấp khi ông chủ bỏ của chạy lấy người, cơ quan chức năng không liên lạc được đã làm phát sinh những rắc rối, như: chủ nợ khởi kiện ra tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án thì gặp trở ngại là pháp nhân của DN chưa được xử lý, người trúng đấu giá tài sản không thực hiện được thủ tục xác nhận tài sản trên đất và đăng ký đầu tư tại vị trí của DN vắng chủ. Điển hình như năm 2009, Cty TNHH sản xuất Đông Nam ở KCN Biên Hòa 2 ngưng hoạt động đã chuyển nhượng toàn bộ nhà xưởng cho Cty Vĩnh Phú. Thủ tục chưa làm xong thì chủ DN về nước và mất liên lạc. Sau một thời gian, Cty Vĩnh Phú bán lại nhà xưởng mua từ Công ty Đông Nam cho Cty TNHH xây dựng nội thất số 7 nhưng giao dịch không thành, do Cty Đông Nam chưa hoàn thành thủ tục với Cty Vĩnh Phú, vì vậy không đủ điều kiện để chuyển nhượng lại cho Cty Xây dựng nội thất số 7.
Ngoài ra, khi bỏ về nước, Giám đốc Cty Đông Nam còn để lại khoản nợ thuế và bảo hiểm xã hội trên 300 triệu đồng và nợ của Tổng Cty phát triển KCN trên 155 ngàn USD nên cũng không thể xóa tên DN để cấp giấy phép đầu tư cho chủ đầu tư mới vào vị trí này.
Tình trạng DN “chết” mà không “chôn” được như Cty Đông Nam không những làm thiệt hại đến kinh tế cho các DN liên quan mà còn gây lãng phí diện tích đất ở các KCN. Bên cạnh đó, hệ lụy đối với các ngân hàng cũng thực sự khó giải quyết. Các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh cũng đang loay hoay với việc xử lý tài sản thế chấp. Theo đó, trong số 20 DN trong văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai, có 2 DN thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, nhưng chưa thanh toán và các DN này đã ngưng hoạt động.
Thiệt thòi mà người lao động hứng chịu cũng rất lớn. Ông Phạm Minh Thành – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đánh giá: Tình trạng này gây thiệt hại cho người lao động vì cơ quan bảo hiểm không thể chốt sổ cho công nhân, nhiều người đã nghỉ việc nhưng không thể giải quyết chế độ cho họ. Về lâu dài, điều này tác động đến quỹ lương hưu, từ đó có thể để lại hậu quả trực tiếp đến an sinh xã hội. Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, có một nghịch lý không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động mà còn dẫn đến nguy cơ thất thu cho nhà nước. Đó là hiện nay, sổ bảo hiểm xã hội của người lao động lại không do người lao động nắm giữ mà nằm trong tay DN. Do đó, cơ quan chức năng khó kiểm soát việc gian lận, khai báo sai thực tế, hồ sơ ảo… Còn người lao động thì hoàn toàn “mù tịt”, bởi họ không thể biết việc đóng bảo hiểm của mình có được chủ sử dụng lao động thực hiện hay không. Trước mắt, những trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư, người lao động sẽ được giải quyết theo Quyết định 30/2009/QĐ-TTg (về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế). Trường hợp này, địa phương sẽ ứng vốn ngân sách để hỗ trợ trước cho người lao động.
Vẫn chưa có nghị định hướng dẫn
Ban Quản lý các KCN đã 6 lần kiến nghị với Bộ Kế hoạch – đầu tư, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ sớm có hướng dẫn xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả |
Theo báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), tại các khu công nghiệp của tỉnh, hiện có trên 20 chủ DN FDI bỏ về nước và đơn vị quản lý không thể liên lạc được. Được biết, tổng vốn đầu tư của 20 DN này là trên 37,9 triệu USD, trong đó hầu hết các nhà đầu tư đến từ Châu Á, với vốn đầu tư từ vài chục nghìn USD đến dưới 10 triệu USD. Do không liên hệ được với chủ đầu tư, nên cơ quan đăng ký kinh doanh/cấp giấy chứng nhận đầu tư không thể yêu cầu chủ DN thực hiện thủ tục giải thể và xóa tên DN. Pháp nhân cũ vẫn còn, đối tác mua lại tài sản thế chấp (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất gắn liền với vị trí đất thuê) từ ngân hàng không thể triển khai dự án, vì cơ quan cấp phép không thể cấp cho “người mới” vào cùng địa điểm. Việc này kéo dài nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất, thiệt hại cho Cty kinh doanh hạ tầng và gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tìm đối tác mua lại tài sản thế chấp.
Các dự án ngưng hoạt động do chủ DN bỏ về nước như trên đang là vướng mắc do hiện nay Luật DN, Luật Đầu tư, Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng như các văn bản nhà nước hiện hành không có quy định xử lý đối với pháp nhân này. Kể từ năm 2008 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã 6 lần kiến nghị với Bộ Kế hoạch – đầu tư, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ sớm có hướng dẫn xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trả lời kiến nghị, Bộ Kế hoạch – đầu tư cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu để đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư áp dụng chung cho cả nước. Đến nay Nghị định 108/2006/NĐ-CP (NĐ 108) sửa đổi, bổ sung vẫn đang còn là dự thảo chưa được ban hành.
Bà Nguyễn Phương Lan – Phó trưởng ban Quản lý các KCN, cho rằng, NĐ 108 sửa đổi sẽ được ban hành mới có khung pháp lý để xử lý những DN vắng chủ, còn hiện nay Ban Quản lý các KCN cùng với cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng chỉ biết… ráng chờ.
K.G
Tag: xay dung, thiet ke noi that, thiet bi cho nha tam, trang tri noi that