Bộ máy mật vụ Bắc Triều Tiên săn lùng thông tin như thế nào?
Theo một công trình nghiên cứu của Mỹ công bố hôm nay, 19/07/2012, hệ thống mật vụ Bắc Triều Tiên là một guồng máy rộng lớn, với nhiều cơ quan tản mác, đôi khi cạnh tranh nhau. Theo các nhà nghiên cứu, chấn chỉnh hay cải tổ mạng lưới này là một điều rất gian nan.
Bản nghiên cứu chi tiết của Ủy ban Nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, một tổ chức có trụ sở ở Washington, cho biết là chế độ Bình Nhưỡng dựa trên một hệ thống kiểm soát từ cấp trên xuống đến tận những đơn vị hành chánh nhỏ nhất để loại trừ những người dám chống đối, chỉ trích chính quyền.
Theo Ủy ban này : “Dân chúng Bắc Triều Tiên phải gánh chịu một sự kiểm soát nghiêm ngặt, nghẹt thở hiếm thấy trên thế giới trong thế kỷ qua”.
Mât vụ Bắc Triều Tiên làm đủ mọi công việc, từ nghe trộm điện thoại, cho đến ra quan sát tại các chợ, rình nghe người dân nói chuyện, và dĩ nhiên là họ triển khai dọc biên giới.
Bà Roberta Cohen, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân Quyền tại Bắc Triều Tiên, đã phân tích trong một thông cáo là dù có muốn cải tổ hệ thống chính trị ở Bắc Triều Tiên, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ vấp phải sự chống đối của bộ phận an ninh đang kiểm soát dân chúng, bắt giam, triệt hạ những người bị họ xem là mối đe doạ đối với sự thống trị của dòng họ Kim.
Theo bản nghiên cứu nói trên, Bắc Triều Tiên có 3 cơ quan an ninh chính, với các nhân viên rình mò, do thám nhau để tiêu diệt các phần tử có nguy cơ phản nghịch, chia rẽ. Cơ quan hùng mạnh nhất và cũng bí ẩn nhất là Cục An ninh Nhà nước, ước đoán có 50.000 nhân viên, quản lý các trại giam người có “những tư tưởng không thể chấp nhận được”.
Bộ An ninh Nhân dân, tức là ngành cảnh sát, có khoảng 210. 000 nhân viên, mà một trong những nhiệm vụ được thấy rõ ràng nhất là kiểm tra giấy tờ và lý lịch của người dân.
Theo RFI