Người thợ rèn sót lại giữa phố Sài Gòn
– Những năm gần đây, nhiều
nghề thủ công mai một. Nghề tiện, nghề đồng, nghề rèn quả là những nghề khó kiếm
ra tiền để trang trải cuộc sống. Nhiều người đã phải chuyển nghề và cũng trong
tình trạng đó, lò rèn của ông Châu ngày càng thoi thóp…
Còn đâu thưở vàng son ?
Ông Châu lấy trong chiếc giỏ đệm một chiếc kềm gắp. Chiếc kềm mà trước đó chỉ là
những que sắt vô hồn. Qua bàn tay của vợ chồng ông, giờ đây chúng đã được định
hình trở thành vật hữu dụng.
Ông hỏi tôi qua một phép tính. 20 chiếc với giá thành
35.000đ/chiếc. Trừ tiền vật liệu, tiền điện, tiền than hết 300.000đ còn lại
400.000đ cho 3 ngày làm thì liệu có đủ để cho cả nhà gồm 2 vợ chồng 2 đứa con
sống không?
Vậy mà không phải ngày nào cũng có việc để làm. Một
tuần lò rèn ông chỉ đỏ lửa một vài ngày và số ngày đỏ lửa ngày càng ít đi.
Cái nghiệp của ông là làm dụng cụ phục vụ cho
những ngành nghề khác. Ông chuyên gia công đồ nghề cho các thợ làm đồng trong
thành phố.
Từ thanh sắt này… |
Thưở những chiếc xe đời cũ mục nát, từ xe hơi tới xe gắn máy qua tay người thợ
đồng chúng trở nên lành lặn và mới mẻ hơn. Với người thợ làm đồng, cũng nhờ ông
mới có những món đồ nghề tinh xảo giúp cho công việc thuận tiện hơn. Cái mắt
xích như cái vòng lẩn quẩn. Anh thợ làm đồng có ăn thì ông cũng còn đất sống.
..ra sản phẩm |
Số lò rèn tại TP.HCM hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những người còn duy trì
được nghề đến hôm nay phải là những người có tay nghề cao, có uy tín nhưng quan
trọng nhất là sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Trong lúc thị trường đầy ắp những sản phẩm sản xuất
hàng loạt bằng công nghệ dây chuyền tự động thì những người làm nghề thủ công
như ông Châu không còn đất sống là lẽ đương nhiên.
Thế nhưng, ông cho biết, cũng có những món hàng mà máy móc không sắc sảo bằng,
đôi tay và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cần thì ông cũng lay lắt được qua
ngày.
Chúng tôi hỏi ông, sao không tìm một kế sinh nhai
khác ? Ông cho biết: “Nghề nào có nghiệp nấy. Mình già rồi, bây giờ làm gì
được nữa đây? Trước đây sư phụ đã truyền nghề tận tình, nỡ lòng nào phụ thầy hở
anh ?”.
Nhìn căn nhà ông, nhỏ hẹp, không một tiện nghi nào quí giá. Phía trước là lò
rèn. Chiếc bể than đã nguội. Ly cà phê trên tay ông cũng cạn dần.
Đôi mắt đăm chiêu, ông trầm ngâm nói: “Được
ngày hôm nay là mừng lắm rồi. Tôi cứ ngỡ mình không bao giờ có được một hạnh
phúc nhỏ nhoi bên cạnh vợ con nữa anh ạ…”.
Cả một quá khứ hiện về trước mắt ông. Hồi tưởng lại, ông bồi hồi nói với chúng
tôi: anh có nghĩ rằng trước đây tôi từng là một con nghiện, con nghiện thâm niên
không?
Hạnh phúc từ những điều giản dị nhất
Đầu thập niên 1970, do ảnh hưởng của chiến tranh, thanh niên Sài Gòn sống bất
cần ngày mai. Thanh niên đến tuổi 16 bắt đầu khai “lược giải cá nhân” để rồi đến
18 tuổi nếu không có lý do gì để hoãn hoặc miễn quân dịch sẽ phải gia nhập quân
đội. Mà đã vào lính thì cái chết đến với họ chỉ còn là chuyện may rủi.
Niềm vui trước thành quả của mình |
Ông Châu ở vào tâm trạng đó. Thời trẻ, ông đã sống mà nhìn về tương lai là cả
một không gian mù mịt. Rồi theo bạn bè ông lâm vào ma túy lúc nào không hay.
“Thời ấy chưa có heroin, chỉ toàn là á phiện.
Cũng có hút bàn đèn. Cũng nạo xái hòa với nước cất để chích. Tôi chơi như vậy
cho đến ngày đi lính. Đi lính rồi cũng chơi để rồi đến 1975, tôi phải đi cải tạo
7 năm liền mới về. Khi về không còn nghiện nữa nhưng không lâu lại tái nghiện.
Rồi bị bắt. Sau đó tôi quyết tâm bỏ hẳn” – ông tâm sự.
Chúng tôi không tin vào tai mình. Bởi, trước mắt chúng tôi bây giờ là một người
đàn ông rắn rỏi và nghị lực.
“Trại cải tạo, tù tội, hoặc chữa trị cai
nghiện sẽ không có hiệu quả nếu người nghiện không có ý thức và quyết tâm. Sau
khi ra tù lần 2, nhìn lại mình đã gần nửa đời người. Tương lai còn ở phía trước.
Gia đình và sự nghiệp chỉ là con số không. Giật mình nhìn lại, thôi phải quyết
tâm làm lại cuộc đời.
Rồi lấy vợ, rồi học
nghề. Cũng nhờ vậy mà tôi còn sống đến hôm nay, trong một mái nhà tuy không giàu
có gì nhưng đầy ắp hạnh phúc. Hạnh phúc chính là cái gia tài, cái sự nghiệp quí
giá mà chưa chắc một người giàu có nào có thể có được” – ông bùi ngùi trút
nỗi niềm.
“Điều giản dị nhất là điều hạnh phúc nhất”. Ông kết thúc câu chuyện bằng
một lời kết vô cùng thâm thúy.
Chúng tôi từ giã ông với
một ước vọng, lò rèn này mãi đỏ lửa. Ngọn lửa đó đã dẫn đường ông và chúng tôi
tin sẽ dẫn đường cho những người vẫn mải mê chưa tìm thấy đường về…
Trần Chánh Nghĩa
(vietnamnet.vn)