Bến xe thu hẹp, cao ốc mọc lên
Vừa qua, người dân và các doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Nội lo lắng khi Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên – chủ quản bến xe Lương Yên có văn bản gửi Sở Giao thông đề nghị đóng cửa bến xe công ty này vận hành suốt 8 năm qua. Lý do đơn giản vì việc kinh doanh bến xe không có lãi, công ty quyết định chuyển mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã không cho phép bến xe này ngừng hoạt động do hiện nay thành phố còn thiếu bến xe, nhiều bến đã ở ngưỡng quá tải. Trong khi việc đầu tư xây dựng các bến xe mới còn chậm, việc dừng hoạt động bến xe Lương Yên sẽ gia tăng áp lực cho hoạt động vận tải của thủ đô.
Đây là điều đáng báo động đối với hoạt động vận tải công cộng ở Hà Nội bởi hiện toàn thành phố chỉ có 5 bến xe khách là Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Lương Yên. Trong đó, riêng bến Lương Yên do doanh nghiệp không hoạt động trong ngành vận tải quản lý.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, bến xe Lương Yên được doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa và họ có thể thay đổi phương án kinh doanh. UBND thành phố đã phê duyệt khu đất này được xây dựng tổ hợp văn phòng, trường học, bãi đỗ xe cao tầng… Dù về khía cạnh xã hội, việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và người dân khi phải thay đổi lộ trình.
Bến xe Lương Yên sắp đóng cửa để xây dựng nhà cao tầng. Ảnh: PV. |
Hai năm trước, bến xe Hà Đông do tỉnh Hà Tây cũ quản lý, cũng đã ngừng hoạt động để xây dựng chung cư cao tầng. Thay thế là bến xe Yên Nghĩa nằm cách đó khoảng 4km, rộng 7 ha và được đầu tư chừng 80 tỷ đồng. Với diện tích rộng, cơ sở vật chất hiện đại, đây được coi là bến xe khách lớn nhất miền Bắc.
Nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, bến xe Yên Nghĩa vẫn vắng vẻ, đìu hiu vì nằm ở đường vành đai 4, xa trung tâm. Còn bến xe Hà Đông cũ kỹ, chật chội, một thời tấp nập khách thì nay chỉ là bãi đất trống được tận dụng làm chỗ rửa xe, trông giữ xe. Do khó khăn về kinh tế nên dự án xây dựng nhà ở cao tầng vẫn nằm im.
Theo quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2003, thành phố sẽ thêm 4 bến xe mới nằm ở phía bắc và phía nam sông Hồng. Tuy nhiên, do triển khai chậm nên sau gần 10 năm, Hà Nội mới xây thêm được một bến xe mới (Yên Nghĩa), trong khi nhu cầu di chuyển bằng xe khách của người dân ngày một tăng cao, nhất là sau khi thủ đô được mở rộng.
Khu vực bến xe Hà Đông được quây kín, trưng dụng làm chỗ rửa xe. Ảnh: PV. |
Việc chậm trễ xây dựng cũng khiến đất quy hoạch bến xe biến mất. Đơn cử, bến xe khách Gia Thụy (Long Biên) được quy hoạch rộng 5ha để thay thế bến xe Gia Lâm hiện nay. Nhưng, hiện bến xe Gia Thụy đã bị xẻ nhỏ thành các khu vực xây gara, showroom ôtô, và trung tâm thương mại, siêu thị Savico. Nhiều vị trí quy hoạch khác cũng đang ở tình trạng tương tự.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội bến xe khách Việt Nam, bến xe và các điểm đỗ xe công cộng chưa được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng. Trong khi chủ trương xã hội hóa chưa có cơ chế khuyến khích khiến doanh nghiệp không mặn mà. Điển hình là việc cơ quan quản lý bến xe Lương Yên xin ngừng hoạt động bến xe.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, quy hoạch bến xe hiện nay còn nhiều bất ổn, bến xe thường được đưa ra vành đai 4, cách biệt so với nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt nên thiếu kết nối, gây khó khăn cho hành khách. Việc quản lý quy hoạch không tốt nên dễ bị chuyển đổi mục đích sử dụng, điển hình là bến xe Gia Thụy.
“Bến xe khách là công trình công cộng, cần được nhà nước quan tâm đầu tư. Doanh nghiệp rất khó cân đối bài toàn đầu tư và thu hồi vốn. Nếu doanh nghiệp đầu tư thì bến xe dễ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sau đó”, ông Dũng bày tỏ.
Một số chuyên gia vận tải khác cũng cho rằng, các bến xe không nên đưa ra vành đai 4 mà nên đặt vào trong vành đai 3 để thuận tiện cho người dân đi lại, hạn chế phương tiện cá nhân ra vào thành phố cũng như giảm trợ giá cho xe buýt.
Đoàn Loan
(vnexpress.net)