Những bộ phim hay về nghề báo

19/06/12, 16:12 Tri thức

‘Citizen Kane’, ‘Almost Famous’, ‘The Quiet American’ hay ‘The Girl With The Dragon Tattoo’ đều là những tác phẩm điện ảnh đặc sắc lột tả chân thực cuộc sống của những người làm báo.

1. Citizen Kane ( )

Công chiếu lần đầu vào năm 1941, Citizen Kane là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Orson Welles. Ông còn là tác giả kịch bản kiêm diễn viên chính của bộ phim này. Khi công chiếu, Citizen Kane không thành công cả về doanh thu lẫn phản hồi của giới phê bình nhưng nhiều năm sau, tác phẩm này đã đi vào lịch sử như một cột mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển kỹ thuật làm phim ở Hollywood.

Một hình ảnh đáng nhớ trong phim
Một hình ảnh đáng nhớ trong phim “Citizen Kane”.

Citizen Kane kể về cuộc đời của nhân vật giả tưởng Charles Foster Kane, ông trùm báo chí Mỹ giàu có nhất thế giới. Với số tiền thừa kế từ cha mẹ, Kane đã dựng nên một đế chế báo chí hùng mạnh. Tuy nhiên, ông lại không may mắn trong cuộc sống hôn nhân và về sau qua đời trong cảnh cô đơn. “Rosebud” (nụ hồng) – từ cuối cùng mà Kane thốt ra trước khi ra đi – đã khiến một phóng viên trẻ tò mò đi tìm hiểu ý nghĩa của nó.

2. La Dolce Vita ( )

Từng giành Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes vào năm 1960, La Dolce Vita của đạo diễn người Italy, Federico Fellini, được đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh thế giới. Lấy bối cảnh thành Rome, phim xoay quanh nhân vật chính là Marcello – một phóng viên chuyên săn lùng những tin tức giật gân. Anh tiếp cận với đủ tầng lớp trong xã hội Italy lúc bấy giờ và chạy theo những bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu.

“La Dolce Vita” là tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn người Italy – Federico Fellini.

Qua điểm nhìn của chàng phóng viên hào hoa Marcello, La Dolce Vita đã lột tả chân thực cuộc sống thác loạn, sự tha hóa của xã hội, suy đồi về đạo đức với những con người bị mất phương hướng, luôn thả mình vào những ánh hào quang phù phiếm. Tên phim – La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) – là một hình ảnh ẩn dụ, chế giễu một xã hội hiện đại mà ở đó, con người luôn sống trong nỗi cô đơn, lạc lõng.

3. Never Been Kissed ( )

Never Been Kissed là bộ phim hài, lãng mạn xoay quanh Josie Geller (Drew Barrymore) – nữ phóng viên trẻ của tờ Chicago Sun Times chưa bao giờ được hôn. Một ngày, tổng biên tập giao cho Josie đề tài nghiên cứu về chuyện tình yêu của các cô cậu học sinh trung học. Josie phải vượt qua ám ảnh của bản thân để trở lại trường trung học – nơi lưu giữ những ký ức “đau thương” khi cô còn là một học sinh hay bị bạn bè giễu cợt.

Drew Barrymore đóng vai một nữ phóng viên phải quay lại trường trung học trong
Drew Barrymore đóng vai một nữ phóng viên phải quay lại trường trung học trong “Never Been Kissed”.

Trở lại mái trường cấp 3, Josie phải kết thân với nhóm các cô nàng nhà giàu chảnh chọe để có tư liệu cho bài viết. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, Josie đã bắt gặp một tình yêu bất chợt và ngọt ngào. Công việc báo chí và chuyến đi thực tế đem tới cho nữ phóng viên 25 tuổi một niềm hạnh phúc mà cô không thể ngờ tới. Câu chuyện nhẹ nhàng và đầy tình cảm của Never Been Kissed đã chinh phục được rất nhiều khán giả trẻ vào năm 1999.

4. Almost Famous ( )

Ra mắt vào năm 2000, Almost Famous là tác phẩm dành riêng cho những phóng viên chuyên viết âm nhạc. Nhân vật chính của phim là William, một chàng trai trẻ muốn trở thành nhà báo viết nhạc. Nhờ vào sự giúp đỡ của cô gái trẻ nổi loạn Penny, William đi theo ban nhạc Rock & Roll – Still Water – để trải nghiệm và tìm hiểu về cuộc sống của các Rocker. Âm nhạc, niềm đam mê và phong cách sống phóng khoáng của Still Water đã tác động mạnh mẽ tới William.

“Almost Famous” là phim dành riêng cho những phóng viên chuyên viết về âm nhạc.

Almost Famous gây xúc động bởi hoài bão của cậu bé William – dám từ bỏ mọi kế hoạch tương lai mà gia đình sắp đặt để đi theo đam mê là được tiếp xúc với các Rocker, tìm hiểu về những câu chuyện xoay quanh các ca khúc mà cậu say đắm hàng đêm. Phim phản ánh trung thực âm nhạc thập niên 1970 với những giai điệu Rock and Roll đặc trưng. Almost Famous đã đạt nhiều thành công lớn, trong đó có tượng vàng Oscar dành cho đạo diễn Cameron Crowe với danh hiệu Kịch bản gốc xuất sắc.

5. The Quiet American ( )

Được dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Anh Graham Greene, The Quiet American là câu chuyện tình tay ba xảy ra trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt năm 1952 ở Sài Gòn. Thomas Fowler, phóng viên của tờ London Times theo dõi tình hình chiến sự ở Việt Nam, đem lòng yêu Phượng, cô vũ nữ xinh đẹp người Việt. Tuy nhiên, chuyện tình này bị cản trở bởi Alden Pyle, một “người Mỹ trầm lặng” đi làm từ thiện ở Việt Nam.

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce.

The Quiet American của đạo diễn Phillip Noyce được quay tại chính Việt Nam và là tác phẩm đem lại tên tuổi cho diễn viên Đỗ Thị Hải Yến. Phim tái hiện cuộc chiến tranh chống thực dân đầy khắc nghiệt của dân tộc ta những năm 1950 dưới góc nhìn của một phóng viên nằm vùng người Anh. Bằng những kỹ năng nghiệp vụ, Thomas Fowler đã nhận ra những âm mưu và tiên đoán được giai đoạn sau của cuộc chiến đi vào lịch sử Việt Nam.

6. How To Lose A Guy in 10 Days ( )

Nghề báo được coi là “nghề nguy hiểm”, nhưng cũng rất lãng mạn, điển hình như câu chuyện của Andie và Benjamin trong bộ phim tình cảm How To Lose A Guy in 10 Days. Andie vốn là nữ phóng viên quyến rũ của tạp chí lá cải Composure dành cho phụ nữ. Một ngày, nữ tổng biên tập oái oăm giao cho cô đề tài – Làm sao để bỏ người yêu trong 10 ngày. Thời hạn đúng 10 ngày cũng rất khó khăn với một cô gái chưa có bạn trai như Andie.

Nụ hôn ngọt ngào của Kate Hudson và Matthew McConaughey trong
Nụ hôn ngọt ngào của Kate Hudson và Matthew McConaughey trong “How to Lose a Guy in 10 Days”.

Trong khi đó, Benjamin là một chàng trai đào hoa làm việc cho công ty quảng cáo. Anh kiếm được một hợp đồng rất hời, nhưng ông chủ phía đối tác lại ra lời thách đố anh cưa đổ một cô gái trong 10 ngày và dẫn đi tiệc. Tình cờ gặp nhau, Andie và Benjamin nhanh chóng lao vào một mối quan hệ mà “đôi bên cùng có lợi”, nhưng không ai biết mình bị đối phương lợi dụng. Đến một ngày mọi thứ vỡ lở cũng là lúc cả hai nhận ra mình đã yêu nhau thực sự…

7. Scoop ( )

Trong bộ phim trinh thám – hài Scoop của đạo diễn lừng danh Woody Allen, kiều nữ Scarlett Johansson vào vai Sondra, một cô sinh viên báo chí người Mỹ mới ra trường, tới Anh để phỏng vấn một diễn viên nổi tiếng. Trong lần đi xem ảo thuật tại London, Sondra phát hiện ra mình có khả năng nhìn thấy và nói chuyện với hồn ma. Hồn ma tiếp cận với Sondra là một nhà báo quá cố chưa thể siêu thoát do khi còn sống chưa giải quyết xong một vụ án giết người hàng loạt.

Hugh Jackman đóng cặp với Scarlett Johansson trong phim
Hugh Jackman đóng cặp với Scarlett Johansson trong phim “Scoop”.

Sondra quyết tâm vạch mặt tên sát nhân. Tuy nhiên, khi công cuộc truy tìm mới bắt đầu thì cô nàng người Mỹ lại phải lòng chàng quý tộc Peter Lyman (Hugh Jackman) – kẻ bị nghi là hung thủ của các vụ án mạng… Scoop mang phong cách hài đặc trưng của Woody Allen pha lẫn với chút giả tưởng, ly kỳ với bối cảnh là thành phố London lãng mạn. Kịch bản của Scoop được ông viết dành tặng riêng cho Scarlett Johansson.

8. The Devil Wears Prada ( )

Dựa theo nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger, The Devil Wears Prada kể về Andy Sachs, một cô sinh viên quê mùa mới ra trường được nhận làm thư ký cho Miranda Priestly – tổng biên tập tạp chí thời trang Runaway nổi tiếng. Để thành công, Andy phải tìm cách thỏa mãn những yêu cầu, dù là khắt khe nhất của Miranda. Tuy nhiên, khi nhìn vào ánh hào quang của người đàn bà này, Andy chỉ thấy sự cô đơn.

“The Devil Wears Prada” nói về cuộc sống của những phóng viên làm việc trong ngành thời trang.

The Devil Wears Prada dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang với những nhãn hiệu đắt tiền và cả sự nghiệt ngã, đánh đổi chính bản thân mình của những con người làm việc trong ngành công nghiệp này. Rất nhiều nhãn hiệu thời trang đắt tiền được nhắc tới trong phim như Chanel, Galliano, Donna Karan, Prada… Rất nhiều phóng viên ở mảng thời trang đã tìm thấy sự đồng cảm ở nhân vật Andie của Anne Hathaway khi xem bộ phim.

9. A Mighty Heart ( )

Dựa trên một câu chuyện có thật, A Mighty Heart có sự tham gia của Angelina Jolie vào năm 2007 đã khiến nhiều khán giả xúc động. Phim là câu chuyện về nữ nhà báo người Pháp, Mariane Pearl, vượt hành trình gian khổ và đầy nguy hiểm để đi tìm chồng là Danny Pearl, phóng viên tờ Wall Street Journal. Khi đi công tác ở Pakistan, Danny bị một nhóm người Hồi giáo cực đoan bắt cóc và chặt đầu. Thời điểm xảy ra câu chuyện là vào năm 2002 – khi Mỹ tấn công Afghanistan và chuẩn bị đánh Iraq.

Angelina Jolie đóng vai nữ phóng viên can đảm Mariane Pearl trong phim
Angelina Jolie đóng vai nữ phóng viên can đảm Mariane Pearl trong phim “A Mighty Heart”.

Diễn xuất của Angelina Jolie và Dan Futterman trong vai cặp vợ chồng phóng viên dũng cảm đã để lại nhiều ấn tượng, sự cảm phục trong lòng người xem. Những gian khổ, nước mắt và sự nguy hiểm của nghề báo cũng được lột tả khá chân thực trong hơn 100 phút của A Mighty Heart. Với vai diễn trong bộ phim này, Angelina Jolie đã được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc trong phim tâm lý tại Quả Cầu Vàng năm 2008.

10. Nothing But The Truth ( )

Thuộc thể loại tâm lý ly kỳ, Nothing But The Truth là câu chuyện về Rachel Armstrong, nữ phóng viên về chính trị ở Washington DC, viết một phóng sự nóng hổi về các scandal chính trị. Trong đó, cô đã để lộ tên của một điệp vụ CIA. Khi ủy viên công tố yêu cầu tiết lộ nguồn tin, Rachel đã làm mọi cách để bảo vệ cho nhân chứng của mình, dù phải ngồi tù và hy sinh sự nghiệp báo chí gắn bó bấy lâu nay, chỉ để tôn trọng sự thật.

Kate Beckinsale đóng vai nữ nhà báo chánh trực trong phim
Kate Beckinsale đóng vai nữ nhà báo chính trực trong phim “Nothing But The Truth”.

Nothing But The Truth tạo ra nhiều tình tiết nghẹt thở, căng thẳng với những nút thắt, nút mở phức tạp. Phim cho thấy sự đấu tranh dữ dội của một phóng viên chân chính trong việc bảo vệ lương tâm nghề báo và trách nhiệm với các nguồn tin. Thể hiện vai nữ nhà báo Rachel Armstrong mạnh mẽ và đầy tâm huyết là minh tinh người Anh Kate Beckinsale.

11. State of Play ( )

State of Play cũng là một phim hình sự rất lôi cuốn nói về chính trị và báo chí. Phim kể về Stephen Collins, một nghị sĩ triển vọng đang chạy đua vào ghế Tổng thống thì trợ lý của anh bị sát hại, kèm theo vài thông tin không có lợi cho Stephen bị tiết lộ. Cal McAffrey, bạn thân của Stephen và là nhà báo nổi tiếng nhất thủ đô Washington, được giao nhiệm vụ điều tra Stephen và tìm ra tung tích của kẻ sát nhân.

Tài tử Russell Crowe vào vai nhà báo nổi tiếng nhất ở thủ đô Washington trong phim
Tài tử Russell Crowe vào vai nhà báo nổi tiếng nhất ở thủ đô Washington trong phim “State of Play”.

Khi cùng nữ đồng nghiệp Della điều tra vụ việc, Cal nhận ra rằng mình đã bước chân vào một trò chơi nguy hiểm – nơi những món tiền cược hàng tỷ USD khống chế con người và tình cảm, sự chính trực là những thứ xa xỉ. State of Play mở ra một thế giới phức tạp của nghề báo. Trong phim, các phóng viên phải đấu tranh giữa việc đưa sự thật lên mặt báo hay tránh tiết lộ bí mật hậu trường chính trị để giữ an toàn cho bản thân.

12. The Girl With The Dragon Tattoo ( )

Được chuyển thể từ cuốn sách đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết trinh thám Millennium của nhà văn Thụy Điển Stieg Larsson, nhân vật chính của The Girl With The Dragon Tattoo là nhà báo Mikael Blomkvist, một trong những người sáng lập nên tờ Millennium. Anh bị kết tội vu khống trùm tài phiệt Hans-Erik Wennerstrom. Sau khi bị buộc phải rời công việc báo chí, Mikael được ông chủ tập đoàn Vanger nổi tiếng thuê điều tra vụ mất tích bí ẩn của một cô gái từ 40 năm về trước. Cộng sự của anh là Lisbeth Salander – một cô gái lập dị nhưng sở hữu một trí tuệ phi phàm và là một hacker thiên tài.

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim “Cô gái có hình xăm rồng” phiên bản Thụy Điển năm 2009.

Với kỹ năng tìm kiếm, điều tra, phân tích sau bao nhiêu năm làm báo, Mikael đã cùng Lisbeth tìm ra sự thật về vụ mất tích bí ẩn năm xưa… Cả hai phiên bản của Cô gái có hình xăm rồng – Thụy Điển (năm 2009) và Mỹ (năm 2011) đều rất nổi tiếng và được đánh giá cao. Yếu tố ly kỳ, hồi hộp và chút rùng rợn trong cả tiểu thuyết lẫn hai bộ phim chuyển thể đã làm say mê hàng triệu khán giả trên khắp thế giới trong thời gian qua.

Nguyên Minh

(vnexpress.net)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x