Máy bay năng lượng mặt trời bay xuyên lục địa
Máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse đã cất cánh từ sân bay quân sự Payerne, miền tây Thụy Sĩ tuần trước để bắt đầu cho chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên.
Theo tờ Guardian (Anh), phi công Andre Borschberg lái Solar Impulse đã hạ cánh an toàn xuống sân bay tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vào hôm 25/5, kết thúc tốt đẹp chặng đầu tiên trong cuộc hành trình bay xuyên châu Âu – châu Phi với tổng cộng chặng đường bay khoảng 2.500km.
Chiếc Solar Impulse đã có chuyến bay diễn tập chuẩn bị cho chuyến vòng quanh thế giới của Solar Impulse vào năm 2014. Ảnh: Getty Images. |
Trước khi hạ cánh xuống Madrid, ông Borschberg phải đối mặt với một thách thức là bay qua Pyrenees – một dãy núi nằm phía tây nam châu Âu tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha. Trong cabin nhỏ của Solar Impulse được trang bị dù bay, trong trường hợp sự cố xảy ra, ông Borschberg sẽ phải sử dụng cái dù này.
Đồng nghiệp của ông Borschberg – phi cơ Bertrand Piccard sẽ thực hiện chặng bay thứ hai tới thủ đô Raba của Morocco, châu Phi. Họ sẽ thay phiên nhau lái Solar Impulse từng chặng một.
Được biết, trong chặng bay tới Morocco, Solar Impulse phải vượt qua Gibraltar – eo biển phân cách 2 lục địa châu Âu – châu Phi, nối Địa Trung Hải – Đại Tây Dương.
Họ sẽ bay đến Morocco theo lời mời của vua Mohammed VI để được nghe giới thiệu về công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời bởi nước này đang bắt đầu xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ ở thành phố Ouarzazate – một phần của dự án năng lượng mặt trời mà Morocco đặt mục tiêu sản xuất 2000MW vào năm 2020.
Các chuyến bay năng lượng mặt trời trong hành trình xuyên lục địa Âu – Phi này được mô tả là bước diễn tập cho chuyến vòng quanh thế giới mà Solar Impulse dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2014.
Chiếc Solar Impulse có sải cánh khoảng 63m và nặng chừng 1.600kg. Trên cánh máy bay được gắn 12.000 tấm năng lượng mặt trời để cung cấp cho bốn động cơ điện.
(vietnamnet.vn)