10 cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử
Ngựa gỗ thành Troy, Han van Meegeren vẽ giả tranh của danh họa Vemeer, siêu
lừa Madoff và chuỗi Ponzi khổng lồ…được coi là những cú lừa ngoạn mục nhất
trong lịch sử thế giới.
1. Ngựa gỗ thành Troy
Mô hình ngựa gỗ thành Troy được các nhà làm phim sử dụng.
Nếu có sự công bằng giữa tình yêu và chiến tranh thì đây có lẽ là điều dối
trá có thể tha thứ nhất. Khi hoàng tử Paris của thành Troy bỏ trốn với Helen, vợ
của vua Spartan của Hy Lạp, chiến tranh đã bùng nổ. Cuộc chiến đã hoành hành
suốt 10 năm khi người dân thành Troy tin rằng cuối cùng họ đã vượt qua người Hy
Lạp. Nhưng họ không biết rằng, người Hy Lạp đang có một âm mưu khác.
Với tính toán giảo quyệt, người Hy Lạp đã dựng một con ngựa gỗ khổng lồ với
một chiếc bụng rỗng chứa đầy quân lính nấp trong đó. Sau đó, họ thuyết phục kẻ
thù của mình rằng con ngựa này là một lời cầu hòa. Người dân thành Troy đã vui
mừng nhận món quà và đem nó vào trong thành. Đêm hôm đó, khi những người dân
thành Troy ngủ say, những lính Hy Lạp trốn bên trong con ngựa đã lẻn ra ngoài và
tấn công thành Troy.
Đây là một trong những mánh lới vĩ đại thành công nhất được biết tới trong
lịch sử, nếu nó là sự thật. Đại thi hào Homer đề cập tới sự xuất hiện con ngựa
gỗ trong “The Iliad”, và văn hào Virgil cũng kể lại câu chuyện về sự sụp đổ của
thành Troy trong thi phẩm “The Aeneid.” Bằng chứng cho thấy Troy tồn tại và mang
lại giá trị cho câu chuyện của Homer, và các học giả từ lâu đã điều tra về độ
chính xác của câu chuyện này. Một giả định đằng sau con ngựa thành Troy tới từ
nhà sử học Michael Wood, người đưa ra ý kiến rằng đó chỉ đơn thuần là một phiến
gỗ lớn hình một con ngựa được đưa vào thành phố.
Dù thế nào đi nữa, câu chuyện trên giành được một vị trí thường trực trong
trí tưởng tượng của người phương Tây như một lời cảnh báo rằng hãy cẩn thận với
những món quà của kẻ thù mang tặng.
2. Han van Meegeren giả mạo Vemeer
Một trong những bức tranh của Meegeren giả làm tranh của danh họa Vermeer.
Sự dối trá này tới từ sự hão danh trong nghệ thuật. Han van Meegeren là một
họa sĩ, người luôn cảm thấy bị đánh giá thấp và nghĩ rằng ông có thể lừa các
chuyên gia nghệ thuật thừa nhận tài năng của mình.
Đầu thế kỷ XX, các học giả đã tranh luận về việc liệu họa sĩ Hà Lan vĩ đại
Vermeer có vẽ hàng loạt các tác phẩm miêu tả cảnh trong Kinh thánh hay không.
Nhân cơ hội này, Van Meegeren đã làm giả một trong những tác phẩm đó. Với sự chú
ý từng chi tiết, Han van Meegeren đã làm giả từ các vết nứt tới tuổi của bức
tranh. Các chuyên gia tin rằng những bức tranh là thật và Meegeren đã làm giả
cũng như bán được nhiều bức tranh của Vermeers hơn nữa. Sự tham lam đã vượt qua
khát vọng được khen ngợi khi Meegeren quyết định không trở lại là chính mình.
Tuy nhiên, Meegeren, người đã làm giả tranh Vemeer trong những năm 1930, 1940
đã phạm phải một sai lầm lớn. Ông đã bán một bức tranh cho một thành viên của
Đảng Quốc xã ở Đức. Sau chiến tranh, quân Đồng minh quy Meegeren là kẻ bán “kho
báu quốc gia” cho kẻ thù. Nhằm xoay chuyển tình thế, Meegeren buộc phải nói thật
về những bức tranh của mình.
Meegeren qua đời vì một cơn đau tim 2 tháng sau khi mãn hạn 1 năm tù.
3. Siêu lừa Madoff
Siêu lừa Madoff khiến cả phố Wall bàng hoàng
Năm 2008, Madoff thú nhận đã lừa khoảng 50 tỷ USD từ các nhà đầu tư, những
người tin tưởng trao tài sản của họ cho y. Madoff đã sử dụng kế hoạch Ponzi” (Ponzi-Scheme)
để duy trì trò lừa đảo của mình hơn một thập kỷ.
Cú lừa kinh điển này được đặt theo tên của trùm lừa đảo tín dụng đa cấp
Charles Ponzi đầu thế kỷ XX. Phương thức hoạt động của mô hình Ponzi như sau: kẻ
đi vay cam kết sẽ trả lợi tức cao cho các nhà đầu tư nhưng thay vì đem tiền đi
đầu tư, kẻ đi vay lại giữ số tiền này cho mình và sử dụng khoản vay từ nhà đầu
tư mới để trả cho những nhà đầu tư trước đó.
Madoff không phải là người phát minh ra trò lừa đảo này nhưng y lại khiến mô
hình của nó lớn hơn bao giờ hết. Không chỉ lập kỷ lục về số tiền thu được mà
chuỗi Ponzi của Madoff còn dài hơn bất kỳ kẻ lừa đảo nào khác. Thường thì những
kẻ sử dụng phương thức Ponzi để lừa tiền sẽ nhanh chóng bị phát hiện bởi vì càng
ngày họ càng cần phải tìm nhiều nhà đầu tư.
Cú lừa của Madoff khiến cả phố Wall bàng hoàng bởi Madoff, cựu chủ tịch sàn
chứng khoán NASDAQ, từng là một chuyên gia được coi trọng và đầy tài năng trong
lĩnh vực tài chính.
4. Anna Anderson giả công chúa Alias Anastasia
Công chúa Anastasia (trái) và kẻ giả danh Anderson.
Với sự tấn công dữ dội của cuộc Cách mạng Nga, sự tồn tại của một gia đình
hoàng gia là điều không thể chấp nhận được. Năm
1918, các thành viên trong gia đình hoàng gia
Romanov bị giết:
Nga Hoàng Nicholas II, vợ, con trai và bốn con gái ông, để đảm bảo rằng không có
người thừa kế hợp pháp sau đó có thể đứng lên và tập hợp dân chúng nổi dậy.
Ngay sau đó, đã có tin đồn rằng một số thành viên gia đình hoàng gia đã trốn
thoát và sống sót. Rất nhiều người tự nhận mình chính là một trong số đó và nổi
lên là trường hợp của Anderson. Năm 1920, Anderson đã được đưa vào bệnh viện sau
khi cố gắng tự tử và thú nhận rằng cô là công chúa Anastasia, con gái út của gia
đình hoàng gia. Anderson thuyết phục mọi người bằng một kiến thức đáng ngạc
nhiên về gia đình và cuộc sống của gia đình hoàng gia tại tòa án.
Một số họ hàng xa và những người biết sơ sài Anastasi tin rằng Anderson là
công chúa nhưng đa số đều không chấp nhận điều này. Năm 1927, một người bạn cùng
phòng cũ của Anderson tuyên bố rằng tên thật của cô ta là Franziska Schanzkowska
chứ không phải công chúa Anastasia. Điều đó vẫn không ngăn được Anderson cho
phép mình hưởng thụ sự nổi tiếng và có được một khoản thừa kế từ hoàng gia.
Anderson đã phải đối mặt với nhiều vụ tố tụng trong suốt nhiều thập kỷ nhưng cô
vẫn mắc kẹt trong câu chuyện của mình cho tới khi qua đời vào năm 1984. Nhiều
năm sau đó, các kiểm tra ADN đã xác nhận Anderson là kẻ giả mạo. Năm 2009, các
chuyên gia đã có thể kết luận tất cả các hài cốt được tìm thấy và không thành
viên hoàng gia nào trốn thoát khỏi cuộc thanh trừng vào năm 1918.
5. Titus Oates và âm mưu sát hại vua Charles Đệ Nhị
Oates vẫn ngoan cố khai man trước tòa.
Được nuôi dạy bởi một giáo sĩ Tin Lành, Oates vào trường Cambridge để học về
các yêu cầu trong giáo hội Anh. Sau khi bị đuổi khỏi giáo hội vì có hành vi
không đứng đắn, Oates bắt đầu liên kết với Công giáo và giả vờ cải tà quy chính.
Với sự khuyến khích của Israel Tonge, một người chống công giáo, Oates thâm nhập
vào lãnh thổ của đối phương bằng cách vào một trường dòng. Thực tế, Oates và hai
trường dòng, cả hai đều trục xuất y. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Bởi
lúc này, Oates đã thu thập đủ thông tin nội bộ và những cái tên để tiến hành
cuộc tàn phá khổng lồ.
Năm 1678, Oates bịa đặt và giả vờ để lộ âm mưu mà trong đó các thầy tu dòng
Tên đang có kế hoạch sát hại vua Charles Đệ Nhị. Ý đồ của kế hoạch này là muốn
đưa em trai vua là James lên thay Charles và xóa bỏ giáo hội Anh để phục hồi
Công giáo. Lời nói dối của Oates đã gây ra sự hoang mang trong suốt 3 năm, kích
động những phần tử chống Công giáo và kết quả là gây ra những vụ hành quyết
khiến khoảng 35 người thiệt mạng.
Sau khi vua Charles qua đời vào năm 1685, James đã lên làm vua nhưng Oates
vẫn cố khai man trước tòa. Sau đó, y đã bị kết án và bỏ tù. Tuy nhiên, Oates chỉ
phải ngồi tù vài năm khi cuộc Cách mạng Vinh Quang quét qua nước Anh vào năm
1688.
(còn tiếp)
Sầm Hoa (Theo Howstuffworks)
(vietnamnet.vn)