Iran phản pháo quyết định cấm vận dầu mỏ của EU
Hệ thống nhà máy lọc khí đốt ở khu vực Assalouyeh, phía Nam Tehran
Chính trị gia hàng đầu của Iran Ali Fallahian ngày 23/1 tuyên bố nước này sẽ lập tức ngừng xuất khẩu dầu thô sang Liên minh châu Âu (EU) để đẩy giá dầu lên cao và khiến châu Âu không có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
“Cách thức tốt nhất là ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trong vòng 6 tháng tới, trước khi EU chính thức triển khai kế hoạch ngừng mua dầu của Iran”, ông Fallahian cho biết trong bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran.
Ông Fallahian đưa ra tuyên bố trên để đáp lại quyết định trước đó cùng ngày của EU về việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hoá dầu và vàng của Iran với thời hạn dự kiến thực thi đầy đủ từ ngày 1/7 tới. Đây là lần đầu tiên EU phát lệnh trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran, sau các biện pháp đánh vào Ngân hàng Trung ương và các thể chế tài chính của Nhà nước Hồi giáo. EU hy vọng với việc “nâng cấp” các biện pháp trừng phạt, phương Tây có thể buộc được Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Ông Fallahian là cựu Bộ trưởng Tình báo và là Ủy viên Hội đồng Chuyên gia có ảnh hưởng rất lớn tại Iran. Ông cũng tái khẳng định Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU cũng như việc Mỹ, Pháp và Anh đã cử hạm đội tàu chiến, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, quay trở lại vùng Vịnh hôm 22/1.
“Nếu họ gia tăng sức ép đối với Iran, chúng tôi có thể sử dụng eo biển Hormuz làm công cụ giải tỏa áp lực. Đóng cửa eo biển chiến lược này là một trong những lựa chọn của chúng tôi”, ông cho biết.
Tuy nhiên, việc đóng cửa tuyến hải vận dầu mỏ quan trọng này có thể chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của Iran khi mọi giải pháp khác không đem lại kết quả.
“Việc phong tỏa o biển Hormuz phụ thuộc vào những tình thế đặc biệt. Đây có thể là lá bài cuối cùng mà Iran sử dụng. Tuy nhiên, quyết định phong tỏa eo biển này có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi, bởi nó chắc chắn sẽ làm tổn hại cả Iran, Mỹ và EU” – nhà phân tích về Iran Hasan Hanizadeh cho biết.
Trong khi đó, Nga và phương Tây tiếp tục thể hiện quan điểm đối lập trong việc trừng phạt Iran.
“Các lệnh trừng phạt đơn phương không giúp giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ kiềm chế các bên đưa ra những động thái cứng rắn. Chúng tôi sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán trong thời gian sớm nhất”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Ông Lavrov cũng khẳng định Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ Tehran trước các biện pháp trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, và rằng ông tin tưởng các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại trong tương lai gần.
Trái ngược với quan điểm của Nga, nhiều nước phương Tây trong đó có Mỹ, Pháp, Đức và Israel đã bày tỏ hoan nghênh quyết định cứng rắn của EU vì cho rằng, chỉ bằng cách gia tăng sức ép mới có thể khiến Iran thay đổi quan điểm trong vấn đề hạt nhân.
Nhưng hiệu quả của lệnh trừng phạt đến đâu? Nó gây những tổn hại gì cho chính EU trong bối cảnh khối này đang phải oằn lưng gánh khoản nợ công khổng lồ? Và liệu nó có châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới trong khu vực? Tất cả những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác nữa cần phải được phương Tây cân nhắc rất kỹ nếu không muốn rơi vào cảnh “gậy ông đập lưng ông”.
Hiện tình hình tại Eo biển Hoócmút cũng như mối quan hệ giữa Iran với phương Tây đang căng thẳng. Trong khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran thì một hạm đội tàu chiến, bao gồm tàu sân bay của Mỹ và các tàu chiến của Anh và Pháp, đã tiến vào vùng Vịnh. Và về khả năng Mỹ và các quốc gia đồng minh có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran, nước luôn bị cáo buộc đang phát triển vũ khí hạt nhân, nhà phân tích Hanidađét nói: “Iran không bao giờ muốn để xảy ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa nước này với EU và Mỹ. Tất cả những bên liên quan tới tình hình căng thẳng hiện nay đều nhận thức được rằng chiến tranh không phải là phương thức giải quyết những vấn đề của khu vực này”.
Cùng với những lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt hồi cuối tháng 12 vừa qua, EU đang gây sức ép buộc giới lãnh đạo Iran có những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này, vốn bị cho là để chế tạo các loại vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhà phân tích Hanidađét nhận định rằng Têhêran sẽ không bao giờ chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân của nước này.
Cũng theo ông Hanidađét, dù dầu mỏ chiếm 80% tổng thu nhập của Iran, song trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, quốc gia này dường như đã có những bước chuẩn bị đối phó khi tập trung sản xuất lương thực và các sản phẩm công nghiệp khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ./.
Vũ Anh
Theo Reuters, AFP, AP