Mỹ: ‘Quốc hội không phải để mua bán’
Hàng trăm người biểu tình thuộc phong trào Chiếm lĩnh phố Wall đã kéo về tòa nhà Quốc hội Mỹ để phản đối ảnh hưởng từ đồng tiền của doanh nghiệp trong các hoạt động chính trị.
biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ. Ảnh: Washington Post |
Nhà tổ chức gọi đây là phong trào biểu tình “Chiếm Quốc hội” và có thể lôi kéo tới 10.000 người tham dự.
Bất chấp thời tiết xấu với những cơn mưa phùn giá buốt, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu và giơ cao những tấm áp phích lớn như “Quốc hội không phải để mua bán”, nhằm kêu gọi các nhà lập pháp “bước ra khỏi tòa tháp ngà của họ để lắng nghe người dân”. Một phần trong số những người biểu tình đến từ các thị trấn ngoại thành, những người khác cũng đã tham gia biểu tình trong nhiều tuần liền tại một trong hai khu phố buôn bán sầm uất ở thủ đô Washington.
Người tham dự tỏ ra lạc quan với phong trào Chiếm lĩnh, bắt đầu từ tháng 9 khi những người biểu tình dựng trại ở một công viên vùng Hạ Manhattan. Phong trào kể từ đó đã lan rộng ra hàng chục thành phố, trong đó có Washington. Chính sự trì trệ về kinh tế đã châm ngòi cho phong trào biểu tình “Chiếm lĩnh phố Wall” của dân chúng với khẩu hiệu “99% dân Mỹ chống lại 1% kẻ giàu có”. Phong trào này nhằm vào cộng đồng tài chính, mà chủ yếu là những người giàu, được coi là tài phiệt – tuy chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng lại có khả năng điều khiển, thậm chí xoay chuyển cả nền tài chính quốc gia.
“Tôi cảm thấy phấn khích”, Jon Wynn, 63 tuổi ở Snow Camp, Bắc Carolina tới Washington để tham gia biểu tình cho biết. “Năng lượng tràn ngập, thậm chí không có quá nhiều người”.
Cuộc biểu tình diễn ra giữa lúc các cuộc thăm dò cho thấy có tới 84% người Mỹ thất vọng về công việc mà quốc hội đang tiến hành – mức cao nhất trong gần 40 năm qua, trong khi số người đồng tình chỉ chiếm 13%.
So với lần thăm dò tháng 10/2011, tỷ lệ người dân Mỹ không ủng hộ quốc hội đã tăng thêm 2%, cho thấy một năm hoạt động kém cỏi của quốc hội Mỹ, khép lại với cuộc tranh cãi về tạm kéo dài việc cắt giảm thuế thu nhập cho 160 triệu người dân. Năm 2011, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng chia rẽ về cách thức kiểm soát món nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách hàng năm, trong bối cảnh hai đảng đang cố gắng ghi điểm cho các cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm nay.
Cuộc biểu tình diễn ra đúng vào ngày làm việc đầu tiên của quốc hội Mỹ trong năm mới, sau kỳ nghỉ đông. Mặc dù diễn ra ôn hòa nhưng cảnh sát cho biết, một người đã bị bắt do tấn công cảnh sát trong cuộc biểu tình lần này.
Anne Filson, 71 tuổi, giáo viên nghỉ hưu từ Madison, New Hampshire nói, bà mong muốn những người biểu tình trong phong trào Chiếm lĩnh tập trung vào thông điệp cốt lõi là thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.
Tối hôm thứ ba, người biểu tình còn tuần hành ở khu vực Tòa án Tối cao và Nhà Trắng. Khi hàng trăm người thuộc phong trào Chiếm lĩnh đứng ngoài cổng Nhà Trắng, một quả bom khói đã được ném qua hàng rào, buộc nhà chức trách phải giải tán đám đông. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân không có mặt trong Nhà Trắng vào thời điểm xảy ra vụ việc. Họ đang ăn tối ở bên ngoài để chúc mừng sinh nhật thứ 48 của Michelle Obama.
Thái An (theo AP, Reuters)