Sự thật và lý giải thú vị về việc “ăn ảnh”
Khi chụp ảnh, có những người trở nên xinh đẹp hơn hẳn, trong khi có những người lại không. Điều đó phản ánh về một khái niệm khá quen thuộc là: sự “ăn ảnh”.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng, việc nhìn một người bằng mắt thường và việc nhìn người đó qua ống kính máy ảnh là không hề giống nhau. Với hai con mắt, não bộ của con người có thể nhìn ra hình khối ba chiều của một khuôn mặt. Do hai con mắt nằm ở hai vị trí khác nhau, tuy không nhiều nhưng hình ảnh chúng ta nhìn thấy vẫn có sự khác biệt. Khi nhìn qua máy ảnh, thông tin hình ảnh chỉ được cung cấp qua một ống kính duy nhất, một số chi tiết sẽ bị mất đi. Hơn thế, mỗi bức ảnh là một hình phẳng, không có chiều sâu. Não bộ của chúng ta tiếp nhận hình ảnh từ bức ảnh đó và tưởng tượng ra một khuôn mặt ba chiều bằng các kinh nghiệm đã trải qua. Bởi vậy, chiều sâu trong bức ảnh chỉ là ảo ảnh.
Trong một bức ảnh, gương mặt thường trở nên tròn trịa hơn so với thực tế bởi các tỉ lệ bị thay đổi, đặc biệt là khi chụp ở khoảng cách gần. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hiệu ứng đặc biệt này khi so sánh hai bức ảnh chụp ở cự ly khác nhau với cùng góc độ. Bức ảnh chụp ở xa hơn sẽ phản ánh tốt hơn tính chất ba chiều của khuôn mặt.
Có một thực tế, đó là những người được xem là có vẻ ngoài cuốn hút chưa chắc gì đã là người “ăn ảnh”. Đơn giản là bởi vì sự cuốn hút của họ không phải chỉ được đánh giá qua khuôn mặt mà là do tính cách, qua cử chỉ, hành động thường ngày – những điều không được phản ánh qua một bức ảnh.
Hình ảnh được chụp chính diện.
Hình ảnh được chụp ở một góc độ khác.
Ánh sáng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Gương mặt của một người có thể rất khác biệt tùy thuộc vào góc chiếu và cường độ của ánh sáng. Hiệu ứng này thậm chí còn bị nhân lên khi dùng đèn flash, dẫn tới một số kết quả không mong muốn như các khiếm khuyết của khuôn mặt sẽ hiện lên rõ hơn. Vì vậy, các nhiếp ảnh gia sẽ điều chỉnh ánh sáng chiếu lên đối tượng chụp nhằm tạo nên những bức hình đẹp.
Khuôn mặt không đối xứng và đối xứng.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, gương mặt một người được cho là đẹp hơn khi nó “đối xứng”, nói cách khác là hai phần của gương mặt gần như hình ảnh phản chiếu của nhau qua một trục đối xứng. Nhưng trong thực tế, hầu hết các gương mặt của chúng ta không có được sự đối xứng như vậy. Do đó, khi chụp ảnh trực diện, sự khác biệt giữa hai nửa của khuôn mặt rất dễ bị nhận ra. Ở góc độ này, những người có gương mặt “đối xứng” sẽ trở nên “ăn ảnh” hơn.
Trong thực tế, gương mặt của mỗi người đều có thể trở nên đẹp hơn khi chụp ảnh nhưng phải ở một góc độ nhất định nào đó. Giả sử như những người có gương mặt tròn thì không nên chụp từ chính diện mà nên chụp nghiêng sẽ khiến cho gương mặt trở nên nhỏ gọn hơn. Chúng ta có thể thử chụp ảnh ở nhiều góc độ để tìm ra góc độ đẹp nhất cho mình.
Khuôn mặt có cách trang điểm phù hợp, nụ cười duyên dáng luôn tạo ra những bức hình hoàn hảo.
Sự “ăn ảnh” cũng phụ thuộc rất nhiều vào cách tạo dáng, mỉm cười trước máy ảnh. Có những người biết cách tạo dáng rất tự nhiên để tôn lên vẻ đẹp của mình, nhưng cũng có những người cảm thấy không thoải mái trước ống kính. Bên cạnh đó, chúng ta phải kể đến các yếu tố khác như trang phục, cách trang điểm phù hợp để che đi các khiếm khuyết và tôn lên nét đẹp.