Tranh cãi về nguyên nhân khiến tàu Nga lâm nạn
Tàu Phobos-Grunt trước khi phóng. Ảnh: RIA Novosti. |
Phi thuyền Phobos-Grunt được thiết kế đế lấy mẫu đất trên vệ tinh Phobos của sao Hỏa, song nó mắc kẹt trên quỹ đạo thấp của trái đất sau khi được phóng vào tháng 11 năm ngoái do hai động cơ không khởi động. Tàu rơi xuống Thái Bình Dương vào hôm 15/1.
“Sự can thiệp của phương Tây là một giả thuyết trong thất bại vừa qua. Để kiểm chứng giả thuyết, một khối thiết bị giống như khối thiết bị trên tàu Phobos-Grunt sẽ tiếp xúc với các xung điện từ của các radar Mỹ”, Yury Koptev, người đứng đầu ủy ban khoa học của công ty Russian Technologies, nói với RIA Novosti. Ông Koptev từng giữ chức giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos).
Roscosmos đang xem xét những nguyên nhân gây nên thất bại của vụ phóng tàu Phobos-Grunt sau khi nó mắc kẹt trên quỹ đạo trái đất và rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 15/1. Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua nói với Interfax rằng phần lớn thất bại của Roscosmos là “dư chấn” sau giai đoạn đen tối của ngành công nghiệp vũ trụ trong thập niên 80, giai đoạn mà tình trạng thiếu kinh phí dẫn tới sự ra đời của hàng loạt thiết bị không đạt yêu cầu về chất lượng.
Giám đốc Roscosmos, ông Vladimir Popovkin, từng đặt câu hỏi về việc những thất bại vũ trụ của Nga thường xảy ra khi các phi thuyền hoặc vệ tinh bay sang bán cầu phía tây.
“Tôi không muốn cáo buộc bất kỳ ai, song ngày nay người ta có nhiều thiết bị có thể tác động tới phi thuyền và việc một thế lực nào đó đã sử dụng chúng là điều không nên bị loại trừ”, ông nói với nhật báo Izvestia hôm 10/1.
Nhưng Alexander Zakharov, một nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho rằng giả thuyết về sự can thiệp của nước ngoài chỉ là cái cớ để che giấu những sai lầm do con người gây nên.
“Với một phi thuyền như Phobos-Grunt, tôi không nghĩ người Mỹ có những radar đủ lớn để có thể tác động tới nó ở độ cao khoảng 200 km. Tôi chỉ nghĩ giả thuyết về sự can thiệp của Mỹ là sự bao biện không thành thật. Đổ lỗi cho thế lực bên ngoài về thất bại vừa qua là việc rất đơn giản và dễ dàng”, RIA Novosti dẫn lời ông Zakharov.
Zakharov nói thêm rằng lẽ ra các chuyên gia của Roscosmos nên kiểm tra phi thuyền kỹ càng để tìm ra những vấn đề kỹ thuật khiến hai động cơ của nó không khởi động sau khi tách khỏi tên lửa đẩy.
Viktor Savorsky, một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ phát thanh và Điện tử Nga, tán thành quan điểm của Zakharov.
“Mọi thiết bị điện tử của phi thuyền và vệ tinh thường được thiết kế để chống tác động của bức xạ điện từ”, ông Savorsky phát biểu.
Minh Long