10 quan niệm sức khoẻ đã thay đổi hoàn toàn
Khi lời khuyên về sức khoẻ mà chúng ta tin tưởng tuyệt đối trong thời gian dài bỗng dưng thay đổi 180 độ, chúng ta có thể bị bối rối. “Sự đảo lộn trong y học” xảy ra khi bằng chứng khoa học mới bác bỏ quan niệm cũ, buộc các bác sĩ thay đổi lời khuyên đối với bệnh nhân.
Dưới đây là 10 quan niệm đã bị các nhà khoa học bác bỏ trong năm 2011.
1. Bổ sung multivitamin giúp nâng cao sức khoẻ
Chưa có bằng chứng chứng minh các viên đa vi chất ngăn ngừa được các bệnh mãn tính hoặc nguy cơ chết sớm, trong khi có đến hai nghiên cứu lớn trong năm qua nghi ngờ công dụng của chúng. Một nghiên cứu phát hiện khả năng mắc bệnh tim, ung thư hoặc nguy cơ tử vong ở những người bổ sung multivitamin không thay đổi so với lúc chưa dùng nó; nghiên cứu còn lại cho thấy các viên đa vi chất và những loại thuốc bổ khác, đặc biệt là sắt, có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở phụ nữ lớn tuổi.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc trên nếu bạn bị rối loạn tiêu hoá, là người ăn chay trường, người đang ăn kiêng, đang cho con bú, đang mang thai hoặc muốn có thai.
2. Căng duỗi cơ thể trước và sau khi luyện tập
Động tác này chẳng có tác dụng gì. Một nghiên cứu được giới thiệu tại một hội nghị của Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ năm 2011 phát hiện việc kéo giãn cơ thể trước khi chạy không thể ngăn ngừa chấn thương. Nghiên cứu cho rằng nguy cơ chấn thương sẽ cao hơn ở những người nặng cân hoặc lớn tuổi, người chạy đường dài, người từng bị chấn thương trong vòng 4 tháng, hoặc đột ngột thay đổi thói quen trước khi vận động, nhất là những người thường căng duỗi cơ thể nhưng tự dưng bỏ qua động tác này.
3. BMI là công cụ tốt nhất xác định béo phì
Chỉ số khối cơ thể (BMI) – tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) chia bình phương chiều cao (mét) – từ lâu được xem là tiêu chuẩn để đánh giá béo phì. Thế nhưng, chỉ số này không tính đến các yếu tố khác bao gồm tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể, giới tính, độ tuổi… Theo một nghiên cứu gần đây đối với gần 32.000 người, BMI trên 30 không phù hợp với 50% số người có lượng mỡ thừa quá mức. Chỉ số này cũng không phản ánh nơi tích tụ mỡ – một yếu tố quan trọng bởi vì người có nhiều mỡ quanh vòng eo có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến béo phì.
Vậy làm thế nào để biết bạn có thừa cân hay không? Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là kết hợp BMI với số đo vòng eo, theo đó, vòng eo lớn hơn 101 cm đối với nam và 89 cm đối với nữ nghĩa là có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến béo phì.
4. Chụp X-quang răng hàm mỗi năm 1 lần
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyên các nha sĩ kiểm tra bệnh nhân kỹ càng trước khi chỉ định họ có nên chụp X-quang hay không và cần chụp chỗ nào. Theo các chuyên gia, việc chụp X-quang cả hai hàm răng chỉ nên được thực hiện 2-3 năm/lần nhằm tầm soát nguy cơ sâu răng hoặc các bệnh về nướu.
5. Ăn cà rốt cải thiện thị lực
Cà rốt là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, dưỡng chất giúp sáng mắt, nhất là trong môi trường ánh sáng kém. Nhưng ngoài loại củ này, chúng ta vẫn có thể hấp thu đủ vitamin A thông qua các loại rau, củ quả có màu vàng, cam hoặc xanh sẫm, cùng các loại thực phẩm như sữa, phô mai, trứng, gan và ngũ cốc.
THANH TRÚC (Theo Baocantho)