Những thánh đường không nên bỏ qua dịp Giáng Sinh
Các nhà thờ được giới thiệu dưới đây không chỉ nổi bật bởi kiến trúc đặc sắc, lịch sử lâu đời mà còn là những ngôi nhà thờ lớn thu hút đông đảo “tín đồ” tụ tập dịp lễ Giáng sinh.
Vượt qua lễ hội mang sắc màu tôn giáo, Noel giờ đây trở thành một ngày hội lớn cho tất cả mọi người. Người người đổ về các nhà thờ nơi được xem là biểu tượng chính thống của Giáng sinh. Vào dịp Noel các nhà thờ lộng lẫy và ấp áp hẳn với đèn điện sáng chói, những dải cờ, hang đá, cây thông… được trang hoàng rực rỡ.
Cùng điểm qua những nhà thờ bạn nên ghé thăm dịp Giáng sinh này nhé!
Nhà thờ Đức Bà – Đồng Khởi, Q.1
Nhà thờ có quy mô lớn, cổ xưa và đặc sắc nhất thành phố. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Ngôi nhà thờ xây bằng gạch ngói Marseille, kính màu và khung sườn thép mang từ Pháp sang kết hợp với đá xanh Biên Hòa. Các ô cửa cuốn tròn kiểu Roman cùng cung vòm gãy kiểu Gothique gợi nhớ tới thánh đường lớn ở Paris.
Ngày nay, nhà thờ Đức Bà không chỉ là nơi hành lễ của người công giáo mà còn trở thành một biểu tượng quen thuộc của người dân Sài Gòn, là một điểm tham quan yêu thích của mỗi du khách đến với Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà như một gạch nối nhẹ nhàng giữa cuộc sống đô thị và đời sống tâm linh. Người ta có thể tiếp cận nhà thờ ở tứ bề. Cuộc sống thường nhật diễn ra vẫn cứ quay cuồng quanh “giao lộ” hòa bình và dường như mọi ranh giới đều bị phá vỡ. Không gian phức hợp về văn hoá cộng đồng có lẽ đó là nguyên nhân khiến nó có sức hút như vậy trong đời sống và tâm hồn của người dân thành phố, đặc biệt là những ngày lễ.
Nhà thờ Tân Định – 289 Hai Bà Trưng, Q. 3
Nhà thờ Tân Định được khánh thành ngày 16/12/1876. Đây là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng sớm ở Sài Gòn. |
Tọa lạc trên con đường Hai Bà Trưng nhộn nhịp, nhà thờ Tân Định với kiến trúc đẹp mắt , trở thành điểm tham quan hấp dẫn tại TP.HCM. Màu hồng nổi bật cùng những đường nét hoa văn trắng trang nhã làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, âm vang cùng tiếng chuông ngân đặc trưng tạo một vẻ lộng lẫy thâm trầm mà tươi mới giữa “guồng quay” của cuộc sống.
Nhà thờ Huyện Sĩ – 1 Tôn Thất Tùng, Q.1
Nhà thờ Huyện Sĩ được xây theo nguyên mẫu nhà thờ nhỏ ở Pháp. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân Gothique. Đây là một trong số ít công trình sử dụng vật liệu đá granít Biên Hòa, tại mặt tiền, đế và các cột chính điện. Loại đá này rất cứng nên không có các chi tiết trang trí truyền thống nhưng lại thể hiện ý muốn phô trương sự giàu có.
Nhà thờ do ông Lê Phát Ðạt (ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương), tức Huyện Sỹ một trong tứ đại hào phú Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định) hiến đất và bỏ tiền ra xây dựng. Công trình được hòan thành năm1905. Tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng), nhà thờ Huyện Sĩ hiện là một trong những ngôi nhà thờ có khuôn viên thoáng đãng nhất Sài Gòn.
Nhà thờ Cha Tam – 25 Học Lạc, Q.5
Nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn khá đặc biệt. Người ta dễ dàng nhận ra sự hòa trộn độc đáo, thú vị giữa kiến trúc và văn hóa Đông, Tây. Giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhà thờ Cha Tam được xây dựng lối kiến trúc Gothique, nhưng các yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng. Như cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong, hai bên cây thánh giá, có hai con cá chép… bốn cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo. Nơi treo hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen: nhưng bên trong lại trang trí hoành phi liễn đối như đền miếu người Hoa…
Nhà thờ Cha Tam hay còn gọi là nhà thờ Phanxicô Xaviê hoàn thành vào đầu thế kỉ 20 do linh mục Pierre d’ Assou, người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, nên dân gian quen gọi là nhà thờ Cha Tam. Sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Tam Asson còn xây được một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê.
Nơi đây còn ghi nhận dấu chứng lịch sử đặc biệt khi là nơi cuối cùng Ngô Đình Diệm và em ruột Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện trước khi tự nộp mình cho phe đảo chính,trong cuộc đảo chính quân sự nổ ra năm 1963. Nhưng rồi cả hai ông đều bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính hạ sát ngay trên đường áp tải từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng tham mưu.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây – 53/7 Quang Trung, Q.Gò Vấp
Hai ngôi mộ này (tương tự như mộ ông bà Lê Phát Đạt ở nhà thờ Huyện Sĩ) toàn thể đều khắc bằng đá cẩm thạch và hoa cương. Đặc biệt hai pho tượng chân dung của ông bà Lê Phát An rất mang tính “Nam Bộ” đang quỳ cầu nguyện và thương tiếc, được điêu khắc vô cùng đẹp và sống động theo phong cách Phục Hưng. |
Nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát Đạt, bỏ tiền ra xây cất, sau khi xây dựng xong nhà thờ Huyện Sỹ. Có một số tài liệu lại cho rằng nhà thờ được vợ chồng ông Lê Phát An con trai ông Lê Phát Đạt bỏ tiền xây dựng. Thánh đường Hạnh Thông Tây đã tồn tại hơn 1 thế kỷ.
Trong khi đa phần nhà thờ ở Việt Nam đều theo phong cách Kiến trúc Gothique hoặc Roma thì nhà thờ Hạnh Thông Tây lại được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine, mô phỏng Vương cung Thánh đường Saint Vitale ở thành phố Ravenna, Ý. Mang nét đẹp đơn sơ mộc mạc khiến người ta cảm nhận được sự thanh thoát khi vừa đặt chân. Do số giáo dân ngày càng gia tăng, nhà thờ xây thêm một nhà thờ phụ, bên cạnh ngôi nhà thờ lớn để giáo dân đi lễ không phải đứng ở ngoài trời chịu nắng chịu mưa nữa.
Nhà thờ Chúa Cứu Thế – 38 Kỳ Đồng, Q.3.
Dòng Chúa Cứu Thế và Tu viện Sài Gòn có khuôn viên rộng rãi. Với nhiều giờ lễ và lối dẫn dắt mở, trẻ và chia sẻ, thu hút đông đảo các bạn trẻ vào dịp cuối tuần.
Vào dịp Giáng sinh nơi đây đặc biệt đông đúc với “khu chợ” giáng sinh hoành tráng. Tối Noel, khắp nơi dòng người đông nghẹt nô nức đi lễ Giáng sinh và hát mừng Chúa ra đời ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Bạn sẽ cảm nhận được sự trang trọng và lòng thành kính giống như các giáo dân vẫn thường hướng về đấng tối cao của họ.
HUYỀN CHÂU
Theo Infonet