10 đóng góp to lớn của Hy Lạp cổ đại cho xã hội hiện đại
Văn hóa Hy Lạp phát triển qua hàng ngàn năm được xem là cái nôi của nền văn hóa phương Tây hiện đại. Dưới đây là một vài trong vô số phát minh và khám phá của Hy Lạp có tác động sâu sắc đến nền văn hóa xã hội phương Tây cũng như thế giới ngày nay.
Ngoài những đặc thù quan trọng có nguồn gốc từ Hy Lạp của nền văn minh phương Tây, các nhà tư tưởng và nhà tiên phong Hy Lạp cổ đại còn đặt nền tảng trí tuệ lên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác. Gần như tất cả các thông tin mà chúng ta có thể cho rằng không quá quan trọng, dù ở phương diện chiêm tinh học, toán học, sinh học, kỹ thuật, y học hay ngôn ngữ học, chúng đều được người Hy Lạp cổ đại phát hiện.
Dường như tất cả những điều kể trên vẫn chưa đủ, khi kể đến lĩnh vực nghệ thuật – bao gồm văn học, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế và nghệ thuật biểu diễn – người Hy Lạp còn thiết lập nhiều tiêu chuẩn để nhận định giá trị vẻ đẹp và sự sáng tạo.
Tóm lại, nếu bạn sống ở phương Tây, bạn có xu hướng giống một người Hy Lạp cổ mà bạn không hề nhận ra. Bài viết này hy vọng sẽ làm nổi bật một vài trong vô số các đóng góp của Hy Lạp mà chúng ta đang trải nghiệm mỗi ngày.
1. Bảng chữ cái
Bắt nguồn từ bảng chữ cái Phoenicia trước đó, bảng chữ cái Hy Lạp là bảng chữ cái đầu tiên mà từ ngữ mang hơi hướng Tây phương, có các chữ cái riêng biệt để biểu thị nguyên âm và phụ âm, bao gồm 24 chữ cái theo thứ tự từ alpha đến omega.
Có thể bạn không tin, từ “bảng chữ cái” bắt nguồn từ 2 chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp: alpha và beta. Ngày nay, nhiều chữ cái trong bảng chữ cái hiện đại đều bắt nguồn từ bảng chữ cái Hy Lạp, bao gồm A, B, E và O. Mỗi chữ cái Hy Lạp ban đầu chỉ có một dạng duy nhất, nhưng dần dần chữ hoa và chữ thường đã ra đời sau đó.
2. Thư viện
Thư viện Alexandria là thư viện đầu tiên trên thế giới, được xây dựng tại Ai Cập. Trong thời gian này, Ai Cập nằm dưới quyền kiểm soát của Hy Lạp sau khi chịu sự cai trị của Alexander Đại đế. Người Macedonia bắt đầu truyền bá lối sống Hy Lạp đến tất cả các vùng đất bị chinh phục, bao gồm cả Ai Cập. Sau cái chết của Alexander Đại đế, cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra và Vương quốc Ai Cập chịu sự cai trị dưới tay tướng Ptolemy của Alexander.
Ptolemy ra lệnh xây dựng một thư viện chứa hơn 700.000 tác phẩm. Có quy định chung rằng tất cả các tàu đi qua cảng Alexandria phải khai ra bất kỳ công trình khoa học hay triết học nào mà họ có. Nếu có, các công trình ấy sẽ được sao chép và lưu giữ tại thư viện, sau đó bản chính sẽ được hoàn trả cho thuyền trưởng. Nhờ việc tích lũy tri thức này, nhiều khám phá vĩ đại đã diễn ra trong thư viện. Ví dụ, Eratosthenes tính chu vi của Trái Đất và nung nấu ý định về một hệ thống năng lượng hơi nước. Ngày nay, nhiều thư viện mọc lên trên khắp thế giới với hàng tỷ tác phẩm văn học, nhưng thư viện đầu tiên trên thế giới là thư viện của Alexandria.
3. Thần thoại
Nhiều người trong chúng ta đến bây giờ vẫn đọc thần thoại Hy Lạp. Một số thần thoại nổi tiếng nhất bao gồm những câu chuyện về Peruses, Theseus, và không thể không kể đến Heracles. Người Hy Lạp thường dựa vào những thần thoại này để giải thích những điều mà khoa học không thể chứng minh.
Thần thoại Hy Lạp tràn ngập gần như trên mọi loại hình văn hóa phổ biến nhất. Nhiều thần thoại đã được chuyển thể thành tiểu thuyết hiện đại, phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử và thậm chí là cả thương hiệu như phim “Hercules” của Disney, tiểu thuyết bán chạy nhất “Percy Jackson” và “Olympians”, thương hiệu Nike (Nike là nữ thần chiến thắng của Hy Lạp),…
>>> 9 Nữ Thần Muse: Người trao cảm hứng cho các thi nhân vĩ đại trong lịch sử
>>> Núi Olympus – Nơi ngự trị của 12 vị thần Hy Lạp
4. Dân chủ
Theo Merriam-Webster, chính quyền dân chủ là chính quyền của nhân dân “trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và họ có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp thi hành thông qua hệ đại biểu như các cuộc bầu cử tự do định kỳ”.
Người Hy Lạp cổ đã lập nên nền dân chủ đầu tiên trên thế giới. Athens bắt đầu với chế độ quân chủ và quá độ lên chính quyền chuyên chế rồi sau cùng đạt đến chế độ dân chủ. Chính phủ dân chủ bao gồm 6.000 thành viên hội đồng, tất cả đều là công dân nam giới trưởng thành. Hội đồng này bỏ phiếu về các vấn đề ở khắp thủ đô Athens. Để pháp luật được thông qua, số phiếu bầu phải là đa số. Nhưng để trục xuất hoặc khoan hồng một ai đó, phải cần đến tất cả 6.000 phiếu bầu.
Hoa Kỳ ngày nay là một nền dân chủ điển hình. Nhưng thay vì một nền dân chủ trực tiếp, Hoa Kỳ là nền dân chủ đại diện, trong đó công dân bỏ phiếu bầu ra người xứng đáng đưa ra những quyết định mang tầm cỡ quốc gia. Điều này khác với nền dân chủ trực tiếp của Hy Lạp cổ đại khi công dân có thể trực tiếp bỏ phiếu quyết định.
5. Thế vận hội
Thế Vận Hội bắt đầu ở Hy Lạp cổ đại, cụ thể là tại thành phố Olympia. Người tham gia là những công dân thành phố của Hy Lạp cổ đại cùng các vùng thuộc địa. Thế vận hội được tổ chức bốn năm một lần để tôn vinh thần Zeus, vua của các vị thần. Giải thưởng cho người chiến thắng là danh tiếng và vinh quang. Người ta tạc chân dung người chiến thắng thành những bức tượng và đôi khi chân dung họ còn được khắc trên các đồng xu. Ngày nay chúng ta vẫn tổ chức Thế vận hội Olympic và tiếp tục một số truyền thống cũ, như sử dụng vương miện hình lá ô-liu, đuốc thiêng, lễ khai mạc và bế mạc.
Hy Lạp cũng tổ chức các trò chơi khác như Ptythian, được tổ chức để vinh danh thần Mặt Trời Apollo, và các trò như Isthmian, nhằm tôn vinh thần biển cả Poseidon.
Lấy cảm hứng từ Thế vận hội Hy Lạp cổ đại, Thế vận hội Olympic mà chúng ta đều biết chính là đứa con tinh thần của vị Nam tước người Pháp Pierre de Coubertin.
6. Khoa học và Toán học
Không chỉ là quê hương của nhiều nhà toán học vĩ đại, Hy Lạp còn là quê hương của nhiều nhà khoa học nổi tiếng. Những nhà tư tưởng Hy Lạp tác động đến khoa học và toán học như thế nào?
Eratosthenes: Nhà toán học này là người đầu tiên tính được chu vi của Trái Đất bằng cách so sánh độ cao của Mặt Trời lúc đứng bóng tại hai địa điểm khác nhau. Eratosthenes cũng tính toán được độ nghiêng của trục Trái Đất, và sau này trở thành thủ thư chính của Thư viện Alexandria.
Aristarchus: Nhà thiên văn học kiêm nhà toán học này là người đầu tiên tạo ra mô hình vũ trụ với Mặt Trời ở trung tâm và Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Ông cũng đặt các hành tinh trong hệ Mặt Trời xung quanh Mặt Trời theo một thứ tự chính xác, và cho rằng các ngôi sao cũng tương tự như Mặt Trời. Nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus cho rằng thuyết nhật tâm chính là thuộc về Aristarchus.
Hipparchus: Hipparchus được biến đến là nhà thiên văn học vĩ đại nhất thời cổ đại. Ông đã phát triển các mô hình đầu tiên mô tả sự chuyển động của Mặt Trời và Mặt Trăng, và rất có thể là người đầu tiên dự đoán được các hiện tượng nhật thực.
7. Kiến trúc
Một trong những ví dụ phổ biến nhất của kiến trúc Hy Lạp trong thế giới hiện đại là cột trụ. Công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc Hy Lạp là đền Parthenon, là tòa nhà lớn với nhiều cột trụ được xây dựng tại Athens. Ngày nay, các trụ cột được sử dụng trong nhiều công trình công cộng như nhà thờ và thư viện. Ngoài ra, các trụ cột còn xuất hiện nhiều trong các tòa nhà ở Washington D.C., bao gồm cả Nhà Trắng.
>>> Đền thờ Hy Lạp: Kiệt tác kiến trúc tôn vinh các vị thần
Điều gì tạo nên kiến trúc Hy Lạp?
Người Hy Lạp cổ đại cực kỳ sùng đạo, nên nhiều công trình kiến trúc ở Hy Lạp được thiết kế với tâm thế thờ thần. Parthenon và Erechtheum là hai ví dụ cho các công trình vĩ đại và lột tả chính xác nhất về Hy Lạp. Một số đặc điểm của thiết kế Hy Lạp có thể kể đến như sự chính xác, phong cách trang trí, sự hào phóng và hiệp lực. Mỗi khía cạnh và đặc điểm của kiến trúc Hy Lạp được tạo ra để nâng đỡ và liên hệ lẫn nhau. Bởi vì mỗi công trình của Hy Lạp đều được lấy cảm hứng từ những câu chuyện và khả năng phi thường của một vị thần cụ thể, nhưng có một sự thật buồn cười là hầu hết các tòa nhà bắt chước phong cách Hy Lạp ngày nay đa số lại là những nơi thế tục hay các cơ quan chính phủ.
8. Ngọn hải đăng
Giống như thư viện đầu tiên, ngọn hải đăng đầu tiên trên thế giới nằm ở Ai Cập, vương quốc của Alexandria, thuộc sự kiểm soát của Hy Lạp. Công trình này có tên là Ngọn hải đăng Alexandria hoặc Pharos của Alexandria. Cao hơn Tượng Nữ thần Tự do, đây là công trình có độ cao đứng thứ hai thời bấy giờ, chỉ sau Kim tự tháp Giza.
Người ta có thể nhìn thấy ngọn hải đăng nhờ ánh lửa vào ban đêm và cột khói vào ban ngày. Đáng buồn thay, ngọn hải đăng này đã bị phá hủy bởi các trận động đất, nhưng nó đã trở thành mô hình mẫu cho tất cả các ngọn hải đăng sau này.
9. Hội đồng xét xử bồi thẩm đoàn
Người dân chủ Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là người Athens, là những người đầu tiên sử dụng hình thức xét xử bởi bồi thẩm đoàn như chúng ta biết đến ngày nay. Các luật sư bắt buộc phải là công dân nam của Athens, và có một cơ chế tên là dikastaí, đảm bảo rằng không ai có thể chọn bồi thẩm đoàn cho phiên xét xử của chính mình.
Các phiên thông thường sẽ triệu tập lên tới 500 bồi thẩm. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn liên quan đến cái chết, có thể triệu tập tới 1.501 bồi thẩm. Với nhiều bồi thẩm như vậy, quy tắc thống nhất được áp dụng trong các tòa án ngày nay không có hiệu quả, do đó phán quyết của các tòa án Athens cổ đại chỉ được tán thành bởi đa số.
10. Nhà hát
Nếu bạn đã từng đến xem hòa nhạc, kịch hay phim chiếu rạp, tức là bạn đang tận hưởng một trong những đóng góp tiêu biểu nhất của người Hy Lạp cổ đại cho xã hội ngày nay, đó là: Nhà hát. Từ “nhà hát” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “theatron”, có nghĩa là chỗ ngồi của đấu trường ngoài trời, nơi mọi người thường xem kịch. Nhà hát phương Tây đầu tiên có nguồn gốc ở Athens, và giống như nhiều nhà hát Hy Lạp cổ đại khác, nó có cấu trúc bán nguyệt cắt thành hình một sườn đồi có khả năng chứa từ 10.000 đến 20.000 người.
Một nhà hát Hy Lạp tiêu chuẩn bao gồm ba phần: sân khấu, phòng thay đồ và khu dựng cảnh. Âm thanh của nhà hát là một trong những đặc tính quan trọng nhất, cho phép mọi người có thể nghe rõ lời nói của các diễn viên nam.
>>> 5 điều mà y học hiện đại cũng phải học hỏi người Hy Lạp cổ đại
Bảo San, theo Owlcation