10 điều không nên hướng Thần Phật mà cầu nguyện
Lễ bái Thần Phật và cầu nguyện đã là một truyền thống gắn liền với tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người Việt. Tuy nhiên đứng trước nơi linh thiêng đó, có một số điều nhất định không nên cầu.
1. Không cầu vô bệnh
Người bái Phật không nên cầu cho mình không có bệnh, vì khi không có bệnh sẽ nảy sinh lòng tham, một khi lòng tham trỗi dậy sẽ phá giới. Khi cơ thể có bệnh thì đừng nên mắc thêm tâm bệnh, không nên xem nó là bệnh, càng không nên buồn bực, hãy xem việc bị bệnh như một cách chịu khổ để hoàn trả nợ nghiệp.
2. Đừng cầu không gặp khổ nạn
Làm người thế gian không nên cầu không gặp khổ nạn. Không có khổ nạn sẽ sinh lòng kiêu ngạo, một khi tâm kiêu ngạo nổi lên sẽ che lấp lòng cầu Pháp. Kinh nghiệm thu được khi vượt qua khó khăn, trở ngại sẽ làm giảm đi sự ngạo mạn, cần lấy khổ nạn để làm phương thức hiểu rõ bản thân.
3. Đừng cầu con đường sự nghiệp không gặp chướng ngại
Thỉnh thoảng cần xem xét lại lòng mình, đừng truy cầu trên con đường đến thành công sẽ không gặp bất cứ chướng ngại nào. Vì nếu không gặp chướng ngại, tâm sẽ lười biếng, trì trệ không vượt lên được, cũng rất dễ dàng cho rằng mình đã thành công trong khi thật ra chưa thu được gì cả. Khi gặp chướng ngại cần phải giải quyết triệt để khiến chúng không có cơ hội phát triển, xem việc giải trừ chướng ngại như một cách để rèn luyện chính mình.
4. Không cầu việc thuận theo ý mình
Làm người không nên cầu sự việc đều như bản thân mình mong muốn, nếu bất cứ việc gì cũng thuận theo lòng mình sẽ sinh tâm tự mãn, sẽ làm cho bản thân có cái nhìn cố chấp, phiến diện, không hiểu được đạo lý, không khai mở được trí huệ. Hãy lấy việc vượt qua khó khăn như một cách để trưởng thành trên con đường hoàn thành mục đích của mình.
5. Hành thiện không cầu hồi báo
Hành thiện không thể cầu hồi báo. Nếu làm việc thiện mà cầu hồi báo, nghĩa là vì có mưu đồ mà làm, có mưu đồ sẽ có lòng tham, có lòng tham thì sẽ lúc nào cũng thể hiện bản thân đầy công đức, như vậy sẽ khiến cho chúng ta trở thành kẻ thất đức. Cần làm người khiêm tốn, buông bỏ được mất, xem lợi ích thật nhẹ.
6. Không cầu công việc dễ dàng thành công
Làm việc không nên cầu dễ dàng đạt kết quả. Thành công một cách trơn tru không thể rèn luyện được ý chí kiên cường, không có ý chí kiên cường sẽ dẫn đến đòi hỏi quá đáng, sẽ tùy tâm mà sai lạc. Muốn thành công phải thật cố gắng, vững vàng tiến lên, không thể trốn tránh khó khăn mà truy cầu dễ dàng, phải xem khó khăn như một động lực để ta tiến lên phía trước.
7. Không cầu vụ lợi khi kết giao với người khác
Kết giao với người khác không nên vì vụ lợi cho bản thân mình, mọi chuyện chỉ vì lợi ích cho bản thân sẽ mất đi đạo nghĩa, thiếu mất đạo nghĩa sẽ dẫn con người đến việc làm sai trái. Khi gặp chuyện mâu thuẫn cần tùy theo duyên mà giải quyết, cần lấy “không tranh với người” để duy trì lợi ích bản thân.
8 . Không cầu tham lam lợi ích
Thấy lợi ích không nên tham lam cầu lấy. Tham lam sẽ sinh vọng tưởng, chỉ vì lợi ích mà hủy hoại đức hạnh của mình. Thế gian lợi ích chính là không, thấy lợi không cần cố gắng theo đuổi, không tham lợi ích mới chính là phú quý.
9. Không cầu giải oan khi bị hiểu lầm
Khi bị người khác hiểu lầm thì không cần thiết phải giải thích rõ ràng, nhiều khi chính vì việc muốn giải thích hiểu lầm đó mà nảy sinh tranh chấp. Có tranh chấp sẽ có oán hận. Nếu buông bỏ được cố chấp, tranh đấu, khiêm tốn làm người thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng biết bao. Cần lấy khiêm tốn, nhân nhượng để bước trên con đường tu dưỡng phẩm hạnh.
10. Khi tu hành gặp chướng ngại cần giải quyết bằng trí tuệ
Thường xuyên xem xét bản thân mình, phải lấy tri thức song hành cùng phẩm hạnh, cần tự nỗ lực để đạo hạnh ngày một tăng. Mỗi một người tu hành, nếu thành tâm tu đạo, thì phải xem chính mình là đệ tử của Đức Phật cần phải viên mãn, lấy giúp đỡ chúng sinh làm nguyên nhân tu hành. Làm người cũng vì để thoát khỏi đau khổ mới tu hành, vì vậy không nên cố chấp, cố chấp sẽ không thể đắc được Đạo.
Đức Hạnh biên dịch