Ý thức của con người có thể liên quan trực tiếp đến ánh hào quang
Các nhà khoa học đã phát hiện sự hiện diện của biophoton (ánh sáng sinh học) trong não cho thấy có thể tồn tại mối quan hệ giữa biophoton và ý thức của con người.
Họ đặt ra nghi vấn ý thức có thực sự bắt nguồn từ bên trong bộ não như nhiều người vẫn nghĩ? Hay có nguồn gốc bên ngoài đại não? Và phải chăng chúng ta không chỉ đơn giản là một bộ não và một bộ y phục bằng da thịt, mà là một cái gì đó vĩ đại hơn?
Trong tiếng Hy lạp cổ: Bio có nghĩa là sự sống. Photon có nghĩa là ánh sáng. Biophoton có nghĩa là ánh sáng từ cơ thể sống, hay còn gọi là phát quang sinh học. Một số nơi còn gọi là trường năng lượng hay ánh hào quang.
Tất cả các sinh vật sống, bao gồm cả con người, phát ra ánh sáng cường độ cực thấp mà không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng có thể được đo và ghi hình lại bằng các thiết bị khoa học hiện đại. Chừng nào sinh vật đó còn sống, từng tế bào và toàn bộ cơ thể sinh vật sẽ phát ra một loạt bức xạ các hạt photon ánh sáng. Cường độ ánh sáng này rất yếu, chỉ một vài chục ngàn photon /1 cm2 /1s với tần số nằm một phần trong vùng nhìn thấy được của mắt người.
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, các tế bào thần kinh trong não động vật có vú và con người có khả năng tạo ra các photon ánh sáng, hay còn gọi là “Biophoton”. Các photon này khá kỳ lạ, xuất hiện trong vùng quang phổ khả kiến, có phạm vi từ quang phổ cận hồng ngoại đến vùng tím, hoặc từ 200 đến 1.300 nanomet.
Từ đây, các nhà khoa học đặt ra nghi vấn thú vị rằng nơ-ron thần kinh của chúng ta có thể giao tiếp thông qua ánh sáng. Họ cho rằng bộ não của chúng ta có thể có các kênh liên lạc quang học, nhưng họ không biết những thứ được truyền là gì.
Thậm chí thú vị hơn, họ tuyên bố rằng nếu có sự giao tiếp quang học, biophoton của não bộ chúng ta sản sinh ra có thể bị ảnh hưởng bởi sự vướng víu lượng tử, nghĩa là có thể có mối liên kết mạnh mẽ giữa các photon này, giữa ý thức của chúng ta hoặc thậm chí là giữa các linh hồn mà tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đề cập.
Trong một vài thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện não chuột chỉ có thể truyền 1 biophoton/phút trên mỗi nơron, nhưng não người có thể truyền hơn một tỷ biophoton/giây.
Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng người càng phát ra nhiều ánh sáng/hào quang và giao tiếp giữa các nơ-ron càng nhiều, thì nhận thức của họ càng cao?
Chỉ cần suy luận một chút. Nhìn lại các văn tự và tôn giáo trên Trái Đất như Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo…, từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại đã nhắc đến các vị thánh, những người tu luyện đạo hạnh cao thâm hay những bậc Giác Giả đã giác ngộ, họ đều có những vòng hào quang tỏa sáng quanh đầu.
Nếu giống như những mô tả thì có lẽ vòng hào quang đó là kết quả của sự nhận thức cao hơn, cũng như sự sản xuất biophoton với tần số cao hơn. Nếu giữa biophoton và ý thức có mối tương quan thì có thể những vị này đã tạo ra biophoton ở mức độ cao hơn với cường độ mạnh hơn nhờ sự giác ngộ của họ.
Ngay cả từ “enLIGHTenment” – giác ngộ, cũng cho thấy việc nhận thức cao hơn có liên quan đến “LIGHT” – ánh sáng.
Nhưng một trong những điều thú vị nhất được phát hiện là bộ não của chúng ta có thể phát ra ánh sáng, và có lẽ ý thức, linh hồn của chúng ta không phải tồn tại trong thân xác này. Mối tương quan đó hoàn toàn không được các nhà khoa học chú ý tới.
Theo hiện tượng vướng víu lượng tử, 2 photon bị vướng víu sẽ có phản ứng ngay lập tức nếu một trong số số đó bị ảnh hưởng, cho dù photon kia nằm ở đâu trong vũ trụ bao la này.
Có lẽ tồn tại một thế giới khác và bất kể bạn ở đâu trong vũ trụ, các photon đều có thể đóng vai trò là cổng thông tin cho phép giao tiếp giữa 2 thế giới. Có lẽ tinh thần và ý thức của chúng ta giao tiếp với cơ thể thông qua các biophoton này. Và khi nhận thức cũng như sự giác ngộ của chúng ta càng cao, thì chúng ta càng phát ra nhiều ánh sáng hay còn gọi là ánh hào quang.
Tất nhiên, không có gì giống một học thuyết ở đây. Nhưng việc đặt câu hỏi và đưa ra giả thuyết như vậy có thể đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiểu biết về ý thức là gì, nó đến từ đâu và những bí ẩn ẩn giấu trong ánh sáng.
Tiểu Phúc, theo CE