Y tá Tây Ban Nha có thể nhiễm Ebola từ trang phục bảo hộ
Hộ lý người Tây Ban Nha, ca nhiễm virus Ebola đầu tiên trên thế giới không phải từ châu Phi, có thể bị lây khi tháo trang phục bảo hộ, bác sĩ phụ trách điều trị cho biết hôm Thứ Tư (8/10).
Theo bác sĩ German Ramirez, người phụ nữ được cách ly ở bệnh viện Carlos III ở Madrid nói với ông về khả năng cô bị nhiễm khi mặt tiếp xúc với trang phục bảo hộ, có thể là găng tay. “Chúng tôi đang điều tra chi tiết này. Có khả năng sai sót xảy ra khi tháo bỏ trang phục bảo hộ. Tôi đã nói chuyện với bệnh nhân 3 lần và cô đồng ý để tôi công bố thông tin này” bác sĩ ông trả lời phóng viên bên ngoài bệnh viện.
Trong cuộc trao đổi trên điện thoại với tờ EI Mundo của Tây Ban Nha, nữ hộ lý cho biết cô tuân thủ mọi quy định cần thiết và không hình dung nổi vì sao mình nhiễm virus chết người này. “Tôi không biết nói sao, tôi chẳng thể hiểu nổi”, tờ báo dẫn lời bệnh nhân.
Người phụ nữ này đã hỗ trợ chăm sóc một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha nhiễm Ebola tại Tây Phi và qua đời sau khi được đưa tới bệnh viện nơi cô làm việc. Khi được hỏi liệu cô có lo sợ bị lây khi chăm sóc người bệnh hay không, cô trả lời: “Không, không hề”.
Tây Ban Nha đang phải xử lý tình huống dấy lên những lo ngại khi người trợ lý y tá không được cách ly trong những ngày đầu biểu hiện sốt nhẹ vào 30/9 khi đang trong kì nghỉ. Phải đến hôm 6/10, bệnh nhân mới được nhập viện lúc đã sốt cao.
Phát ngôn viên của cơ quan y tế khu vực Madrid cho biết, nữ trợ lý y tá này “đang hồi phục” và chồng cô hiện được theo dõi nhưng chưa có triệu chứng lây bệnh.
Vấn đề lo ngại quốc tế
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố, đất nước ông đang phải “đối mặt với mối lo của cả cộng đồng quốc tế”, nhưng ông nhắc nhở mọi người nên “bình tĩnh”. “Tôi mong các bạn cho phép nhân viên y tế nước tôi làm việc. Hệ thống y tế Tây Ban Nha thuộc loại tốt nhất trên thế giới”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế báo cáo trước quốc hội về việc Tây Ban Nha đang sửa đổi quy định xử lý Ebola. Cơ quan y tế hiện đang tập trung tìm kiếm và theo dõi những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Năm người hiện được giám sát tại bệnh viện từ Thứ Tư (8/10). Những người được theo dõi bao gồm, chồng của bệnh nhân, người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất; y tá làm cùng bệnh viện xác nhận vào sáng hôm đó sau khi có triệu chứng bệnh; y tá khác cùng tổ với nữ trợ lý y tá nhiễm bệnh có kết quả kiểm tra âm tính; một y tá nữa có kết quả kiểm tra lần đầu âm tính và đang chờ đánh giá lần hai vào Thứ Tư (8/10); và kỹ sư trở về từ Nigeria lần đầu âm tính cũng đang chờ kết quả kiểm tra lần hai.
“Dần hồi phục”
Hiện bệnh viện không tiết lộ tình trạng của bệnh nhân với lý do đảm bảo sự riêng tư. Tờ EI Mundo cho biết trong một buổi phỏng vấn với bệnh nhân, cô nói “đang dần hồi phục” nhưng có vẻ kiệt sức khi trả lời phóng viên.
Chồng người phụ nữ chia sẻ, vợ ông đã tự nguyện đảm đương nhiệm vụ nguy hiểm khi chăm sóc hai nhà truyền giáo nhiễm bệnh. Ông cũng lo lắng về chú chó Excalibur của gia đình, và cho biết chính quyền muốn xử lý nó.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, một số nghiên cứu cho thấy chó có thể nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta chưa tìm ra liên hệ giữa ca nhiễm bệnh ở người và loài động vật này.
Khoảng 20 người đã tập trung vào sáng Thứ Tư (8/10) để giải cứu chú chó của cặp đôi, bày tỏ sự ủng hộ bên ngoài tòa nhà nơi nữ trợ tá đang sinh sống. Một diễn đàn kiến nghị trực tuyến được lập ra để cứu chú chó khỏi ‘án tử’ thu được hơn 300.000 chữ kí. Theo bản kiến nghị, “tốt hơn hết là cách ly hay giám sát chú chó như cách họ làm với chồng bệnh nhân” chứ không nên buộc cặp vợ chồng này mất đi “một thành viên của gia đình”. Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan y tế Madrid chia sẻ với CNN rằng “bất chấp sự phản đối, chú chó vẫn sẽ bị xử lý hôm nay (8/10)”, cho biết thêm, căn hộ của cặp đôi hiện “đang được khử trùng”.
Hàng chục người đang được theo dõi
Tổng cộng 30 người thuộc bệnh viện Carlos III và 22 trường hợp khác từ bệnh viện Alcorcon, nơi người phụ nữ được đưa đến chăm sóc ban đầu, các thành viên gia đình đang được giám sát, giới chức nước này cho biết hôm Thứ Ba (7/10).
Trong một chương trình phát sóng của CNN Thứ Ba (7/10), bác sĩ Sanjay Gupta cho biết, mặc dù người phụ nữ bị sốt nhẹ, nhưng có thể không dễ lây nhiễm vào những ngày trước khi nhập viện. Dù đang đi nghỉ mát, trợ lý y tá này vẫn ở Madrid, thủ phủ Tây Ban Nha.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hôm Thứ Tư (8/10), các trường hợp nhiễm bệnh rải rác ở châu Âu là “không thể tránh khỏi” do việc di chuyển trong phạm vi châu Âu với các quốc gia có dịch. “Tuy nhiên, nguy cơ lây lan Ebola ở châu Âu cực kì thấp và hoàn toàn tránh được”, WHO cũng nhắc nhở, nhân viên y tế trong hàng ngũ chiến đấu với mầm bệnh “cần phải được bảo vệ và hỗ trợ toàn diện”.
Phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu, ông Frederic Vincent thông tin, có 8 ca nhiễm Ebola được xác nhận và hai trường hợp nghi ngờ tại Hà Lan cho kết quả âm tính. Trong số các ca nhiễm bệnh, chỉ riêng trợ lý y tá Tây Ban Nha bị truyền virus bên trong châu Âu. Những trường hợp khác: một ở Anh, Pháp, Na Uy và hai ở Đức và hai tu sĩ Tây Ban Nha đã qua đời.
Theo WHO, chỉ 3 ca Ebola vẫn đang được điều trị tại châu Âu, một ở Đức, một ở Na Uy và trợ lý y tá tại Tây Ban Nha. Liên Hợp Quốc cho biết, một nhân viên y tế ở Liberia đã nhiễm bệnh và đang được điều trị tại đây.
Nhân viên quốc tế không công bố danh tính là thành viên thứ hai của LHQ bị lây virus. Người đầu tiên đã tử vong ngày 25/9.
Đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tại Tây Phi có thể tiêu tốn đến 32 tỉ USD cho châu lục này trong hai năm tới nếu dịch bệnh lan sang các nước lân cận, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới hôm Thứ Tư (8/10).
Bức xúc
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết các thủ tục và quy định phù hợp đều được tuân thủ nghiêm ngặt khi chăm sóc hai nhà truyền giáo. Nhưng Liên minh Châu Âu yêu cầu giải trình cách thức nhiễm virus của người phụ nữ này.
Bác sĩ và y tá bên ngoài bệnh viện Carlos III hôm Thứ Ba (7/10) bày tỏ bức xúc trước việc hai tu sĩ nhiễm bệnh được chuyển đến bệnh viện này. Theo họ, hai tu sĩ là Miguel Pajares và Manuel Garcia Viejo gần như hấp hối khi đến nơi và không nên đưa họ trở lại Tây Ban Nha, đe dọa tính mạng người khác.
Juan Jose Cano, phát ngôn viên Liên đoàn trợ lý y tế quốc gia cho biết, “y tá và nhân viên điều dưỡng đã đệ trình đơn lên Tòa án Plaza de Castilla ở Madrid vào tháng 7. Nội dung đơn nhấn mạnh việc họ chưa được cấp đầy đủ thông tin hoặc huấn luyện, cũng như không biết hết các quy định cần phải tuân thủ khi tiếp xúc bệnh nhân nhiễm Ebola”.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo CNN