Ý nghĩa đằng sau buổi lễ diễu binh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhân vật quan trọng nhất trong buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 Thế chiến II chấm dứt, đây là lần xuất hiện ấn tượng nhất của ông Tập trước công chúng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Theo giới phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình mượn duyệt binh để thể hiện quân quyền, trong đó chứa đựng nhân tố đối nội.
Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện với hình ảnh là nhà chỉ huy lực lượng quân đội hùng hậu với chiến xa, đại pháo và đoàn diễu hành với hàng chục nghìn quân nhân.
Về mặt chính thức, sự kiện này được tổ chức để kỷ niệm Thế chiến II chấm dứt vào năm 1945 và để tưởng niệm khoảng 15 triệu người Trung Quốc thiệt mạng dưới thời quân đội Nhật Bản chiếm đóng trong khoảng thời gian từ 1937 đến 1945. Cuộc diễu binh cũng là dịp để gợi lại lòng can đảm, trung kiên của người lính Trung Hoa và vai trò chủ đạo của họ trong cuộc chiến chống sự bành trướng tại châu Á của quân đội Thiên hoàng.
Thế nhưng, ngoài mục đích vinh danh quá khứ, buổi lễ diễu binh ngày 3/9 còn hướng tới cả tương lai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc tổ chức kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng điều đáng chú ý là thay vì một buổi lễ tưởng niệm thông thường, Bắc Kinh tổ chức hẳn một buổi lễ diễu binh có quy mô lớn. Mục đích của buổi lễ duyệt binh có cả ý nghĩa đối nội và đối ngoại trong đó.
Lễ diễu binh với khoảng 12.000 quân nhân và 200 máy bay tham gia trên quảng trường Thiên An Môn là cơ hội phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như vị thế và vai trò của nước này trong khu vực, mà bằng chứng là 84% số vũ khí mới lần đầu tiên được Trung Quốc giới thiệu.
Ngoài mục đích được cho là khuếch trương thế mạnh quân sự tới các nước láng giềng Đông Á, cũng như khẳng định chiến thắng chính đáng của đảng Cộng sản Trung Quốc trước đế quốc Nhật, đằng sau còn có một ý nghĩa về chính trị, sau một loạt các vụ thảm họa cháy nổ liên tiếp xảy ra không ngừng tại Trung Quốc, đều là do các phe phái trong nội bộ Trung Nam Hải chém giết lẫn nhau.
Tờ “Nhật báo kinh tế” của Hồng Kông ngày 31/8 có đăng một bình luận: “Đối với người lãnh đạo mà nói, lễ duyệt binh lớn là có ý nghĩa chính trị trong nội bộ hơn là đối với nước ngoài.”
Quay lại vụ nổ tại Thiên Tân hôm 12/8 đã gây khiếp sợ cho người dân toàn thế giới. Phóng viên Lục Mai sau khi đến hiện trường đã miêu tả: “Tịch lặng không một tiếng người hay sự vật còn sống sót, một cảnh tượng của ngày tận thế”.
Ngoài việc toàn bộ nhà xưởng kho bãi của Công ty Thụy Hải bị san bằng, tòa nhà cao ốc là đồn công an bên cạnh cũng trở thành một đống đổ lát, mấy nghìn chiếc xe con tại bãi đỗ xe cách đó 300 mét cũng bị thiêu rụi, dân cư xung quanh từ những ngôi nhà nhỏ đến những căn nhà ở cao cấp cũng bị tàn phá, không còn mấy nhà dân, không khí bao phủ càng ngày càng đậm một mùi chưa từng được biết đến.
Từ sau vụ nổ, chính quyền Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt hơn các vấn đề về an ninh cho lễ duyệt binh sau chưa đầy 3 tuần của vụ cháy, giống như là đề phòng một vụ tập kích khủng bố. Một phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết: “Bắc Kinh như Tử Cấm Thành, giống hệt như thiết quân luật vậy”.
Có phân tích bình luận rằng: “Chủ tịch Tập Cận Bình mượn duyệt binh để thể hiện quân quyền, trong đó chứa đựng nhân tố đối nội”. Rất nhiều tin tức cho rằng: “Việc cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân có lộ diện trong lễ duyệt binh này hay không đã không còn là vấn đề quan trọng nữa, trong tương lai gần Giang sẽ là “con hổ cuối cùng” bị bắt giữ”.
Giới phân tích cho rằng: Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn đúng thời điểm này để tổ chức một lễ duyệt binh lớn như vậy, là có một ý nghĩ đặc biệt. Về vấn đề chính trị, ông Tập đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là một số phe phái có chút thế lực trong nội bộ Đảng, tuyệt sẽ không chịu bị thanh trừ mà sẽ phản công lại.
Bài báo còn chỉ ra rằng: Chủ tịch Tập Cận Bình vì để đạt được các mục tiêu về cải cách, ứng phó với những rủi ro và nguy cơ khó lường trước trong tương lai đã được đề ra trong phiên họp toàn thể của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18 vào năm 2013. Ông còn phải tiếp tục tăng cường tập trung quyền lực lãnh đạo.
Muốn làm được điểm này, ngoài việc duy trì áp bức độc đoán, kiên quyết cải cách chống tham nhũng ra, việc thu phục quân đội cũng là điều rất quan trọng. Lễ duyệt binh chính là cơ hội tốt nhất để ông thể hiện ra khả năng thu phục quân đội của mình.
Ngày 30/8, tờ “Nhân Dân Nhật Báo” của Nhật Bản có đưa tin: “Lời tuyên thệ trung thành”, trước tiên là kiểm tra lòng trung thành của Quân đội Trung ương đối với ĐCSTQ, “vô cùng trung thành và kiên quyết ủng hộ Chủ tịch Tập”. Đáng lưu ý chính là “vô cùng trung thành với Chủ tịch Tập”, đây là một quy định trước nay chưa từng gặp.
Tờ Minh Báo của Hồng Kông ngày 11/8 có bài viết nhận định, Tập Cận Bình muốn tránh vết xe đổ của Hồ Cẩm Đào bị Giang Trạch Dân khống chế thì cần giành lại việc kiểm soát quân đội từ Giang Trạch Dân, qua sự cố Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng có thể thấy rõ ông Tập đã chiếm thế thượng phong, hồi chuông ‘tóm’ ông Giang đã điểm.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã xây dựng một chính quyền chống tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay, đập “hổ và ruồi”‘ ở khắp mọi nơi, gây sự hoang mang trong giới quan trường. Điều này động chạm đến lợi ích vốn có của một số phe cánh. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng này chắc chắn chưa thể kết thúc, kinh hoàng hơn là trò chơi này có lẽ bây giờ mới bắt đầu.
Theo daikynguyenvn.com