Xuất hiện rắn hổ chúa có mào trên đầu trong rừng U Minh Hạ
Gần đây, hình ảnh một con rắn hổ chúa khá lớn với chiếc mào trên đầu đã được ghi lại ở rừng quốc gia U Minh Hạ, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Video về con rắn hiếm do người dân đi rừng phát hiện ghi lại và được tài khoản TyMin đăng tải trên Youtube vào ngày 16/9.
Trong video, con rắn hổ mang có thân hình khá lớn, dài trên 2m, đang cố gắng thoát khỏi một đầm lầy. Điều đặc biệt là trên đầu rắn còn có mào như mào gà, màu xám.
Đoạn video thu hút nhiều người bởi lần đầu tiên được chứng kiến rắn có mào, loài rắn tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trong dân gian, những người thợ rắn cho rằng rắn có mào là rắn đã thành tinh, rất linh thiêng, nên không dám săn bắt và mua bán.
Trước đó năm 2020, một cư dân mạng cũng ghi lại được hình ảnh một con rắn hổ mang có mào đỏ cam xuất hiện cạnh một ngôi chùa.
Được biết, rắn hổ mang chúa được xếp vào loài quý hiếm, nằm trong sách đỏ IUCN từ năm 2010.
Theo Wikipedia, đây là loài rắn độc dài nhất thế giới với chiều dài trung bình từ 3,18 đến 4m, được đánh giá là loài rất nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng.
Một vết cắn của rắn hổ chúa có thể khiến nạn nhân bị truyền vào một lượng lớn nọc độc, tương đương 200 đến 500 mg, thậm chí lên đến 7 ml. Nọc độc sau khi vào cơ thể sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương, khiến nạn nhân bị đau nhức, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, và cuối cùng tê liệt.
Nếu tình trạng nghiêm trọng, chất độc sẽ tiến vào hệ tuần hoàn, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong nhanh chóng do suy hô hấp. Vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút. Tuy nhiên, một lượng lớn chất kháng nọc độc có thể đủ để đảo ngược sự tiến triển triệu chứng trúng độc khi bị rắn cắn.
Tháng 3/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã cứu sống một nữ bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân (34 tuổi, quê ở Đắk Nông) bị rắn hổ mang chúa bò vào nhà và cắn vào lưng. Khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn, suy hô hấp và rối loạn nhịp tim rất nặng.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới đưa ra khuyến cáo: “Qua những trường hợp bị rắn cắn được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi khuyến cáo mọi người không nên tự ý bắt rắn, bởi hầu hết các trường hợp bị rắn cắn đều bị biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao”.
Thùy Linh (t/h)