Xưa rồi, “Hiếu” ơi…
Người xưa thường dạy: “Trăm thiện hiếu vi tiên”, để thấy rằng trong trăm ngàn điều thiện trên đời, hiếu thảo luôn là việc đứng đầu. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, chữ Hiếu dường như đã biến dạng đến nỗi không còn nhận ra được hình hài…
Trong cuốn “Chấn thương tâm lý hiện đại”, nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể chuyện người quen của ông ở Sóc Sơn, đèo con gái đi xe máy trên cao tốc Thăng Long – Nội Bài. Xe bị dính đinh, không phanh kịp, khiến cháu gái bị ngã, chấn thương sọ não.
Hỏi lại mới biết chuyện này xảy ra như cơm bữa, và trong những kẻ làm cái việc rải đinh thì có những người rất nghèo… Cá biệt có người kể lể rằng, làm việc ấy để có tiền mua thuốc cho bà mẹ bị ốm. Tức là “nhân danh” hiếu thảo làm chuyện bất nghĩa.
Thử hỏi có người mẹ nào muốn con mình làm chuyện thất đức?
Lại kể chuyện thời nay người ta làm đám ma ầm ĩ, bật nhạc “khóc hộ” suốt ngày đêm. Đám ma mà tổ chức linh đình như đám cưới, bất chấp cả đường đi lối lại. Đám giỗ để tưởng nhớ người đã khuất ngày nay cũng “vui vẻ” chẳng kém cạnh gì.
Thiết tưởng cái thương cái nhớ cốt là ở trong lòng, có thể hiện ra thì cũng chỉ nên ứa hai hàng nước mắt là đủ. Chứ nào có cái thói khoe khoang như thế?
Ấy gọi là chẳng mấy ai chịu lỡ dịp “phô trương” lòng hiếu thảo cả!
Cũng có người mang thân nhân lên chùa xin gửi, cũng là có cái lòng mong mỏi, cầu xin Thần Phật từ bi phù hộ cho người thân. Nhưng cứ nhìn cái cảnh chỗ tượng Phật ngồi đầy cả ảnh người đã khuất, có cái cá biệt còn… leo cả lên lòng tượng, thì cũng đủ thấy bất kính nhường nào. Nghe nói ở nước ngoài còn quá hơn nữa, có nơi người ta khoét cả tượng ra để có chỗ cho bát hương vào trong đó, thật là rùng mình ghê sợ.
Thế chẳng phải là khiến người đã khuất vô lễ với Thần Phật hay sao?
Cái cảnh ném bát hương và bàn thờ xuống sông Hồng từ trên cầu Chương Dương cũng là việc thường ngày, cốt là để cho ông bà được mát mẻ. Hẳn là ở dưới đó với rác được vứt xuống sông hàng ngày thì cũng chẳng mấy dễ chịu lắm. Người ta cứ mạnh dạn mà làm thôi, vì nào có ai nỡ gán tội cho những “người con hiếu thảo” được cơ chứ?
Chữ “Hiếu” ngày nay quả là méo mó và biến dị
Chữ Hiếu ấy, không phải là làm để cho người đang sống nhìn, cũng không phải là làm để cho người đã khuất nhìn. Chữ Hiếu là tiêu chuẩn để người ta có thể nhìn lại bản thân mình, xét xem mình đã thực sự nghĩ tới nỗi khó khăn vất vả của cha mẹ hay chưa, đã thực sự báo đáp công ơn sinh thành hay chưa, hay vẫn chỉ là đang đòi, đang vơ vào, đang tham lam nhận lấy?
Tất nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thật khó để người ta có thể nhận ra và làm tròn chữ Hiếu. Đơn cử như trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, hẳn là các đức ông chồng sẽ cảm thấy khó xử lắm, bên tình bên hiếu xử lý ra sao?
Hay ví như khi cha mẹ dồn hết tích lũy cả đời để con cái đi nước ngoài gây dựng sự nghiệp cho bản thân, để con được sống tốt, thì con làm sao có thể báo đáp được công ơn đó ở xứ người? Những băn khoăn đó, cũng là cái khó của cuộc sống hiện đại, nhưng nếu trong tâm chưa bao giờ quên chữ Hiếu này, thì hẳn là mỗi người đều sẽ tự tìm được câu trả lời tốt nhất.
Giúp chữ Hiếu trở về với hàm nghĩa chân thực của nó là điều mà sâu thẳm trong tâm chúng ta đều mong mỏi. Chính vì thế, mỗi người đều phải tự xét mình, để ai đó không còn phải ngao ngán thốt lên rằng: Xưa rồi, “Hiếu” ơi…
Theo trithucvn.net