Xe chở băng vệ sinh và tã bỉm bị chặn vì ‘không phải hàng thiết yếu’
Do không được xếp vào nhóm nhu yếu phẩm nên việc phân phối, vận chuyển băng vệ sinh, tã, bỉm tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam gặp khó khăn.
Trao đổi với Vnexpress vào trưa ngày 28/7, đại diện Công ty cổ phần Diana Unicharm cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp bị lực lượng chức năng tại trạm kiểm soát chặn khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ.
Lực lượng chức năng giải thích rằng những sản phẩm này không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịch Covid-19 nên không được vận chuyển, lưu thông.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Diana Unicharm cho rằng, nếu việc tắc nghẽn, đứt đoạn chuỗi cung ứng trên không được tháo dỡ, mặt hàng này sẽ sớm thiếu hụt trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn vệ sinh của người dân.
Theo báo cáo nghiên cứu của Nielsen U&A 2021, băng vệ sinh là biện pháp cơ bản được phụ nữ Việt Nam sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Số lượng phụ nữ cần sử dụng mặt hàng này là 30 triệu người, và số miếng cần sử dụng trong một chu kỳ là 16.
Với mặt hàng tã, có khoảng 3 triệu em bé từ 0-2 tuổi cần sử dụng. Trung bình mỗi em bé cần từ 90 – 120 miếng tã/tháng; cao điểm, một bé sơ sinh có thể cần hơn 10 miếng tã/ngày. Đối với tã người lớn thì có gần 1,4 triệu người trên toàn quốc mắc các vấn đề về bài tiết phải sử dụng bỉm.
Trước tình trạng này, Công ty cổ phần Diana Unicharm mong các cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ để các mặt hàng này sớm được vận chuyển, lưu thông. Doanh nghiệp cũng hy vọng đề xuất của Bộ Công Thương về danh sách hàng cấm lưu thông thay vì danh sách hàng hóa thiết yếu sớm được phê duyệt, giúp địa phương thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hoá trong Covid-19.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên có sự không thống nhất về cách hiểu hàng thiết yếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.
Vào tuần trước, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, đóng lon) và sữa cũng bị ách tắc khâu thu mua, vận chuyển khi các tính giãn cách, nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã phải cắn răng đổ bỏ hàng ngàn lít sữa bò trong khi nhiều địa phương khác lại thiếu mặt hàng này.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có đề xuất lên Thủ tướng liên quan đến vấn đề tắc nghẽn vận tải. Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông (danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật được ban hành từ tháng 5/2014).
Trong lúc chờ đợi, Bộ Công Thương cũng đưa ra một danh mục nhóm thực phẩm, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiên liệu, mặt hàng khác theo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của địa phương để các đơn vị cơ sở tham chiếu.
Vũ Tuấn (t/h)