Vượt qua tâm sợ hãi – Con đường thành thánh nhân
Khổng Tử từng nói: “Dũng giả bất cụ”, ý rằng người có dũng thì không sợ hãi, bởi họ có thể ước chế được những nhân tố tác động bên ngoài. Tuy vậy, muốn trở thành hữu dũng, ắt phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài.
Chuyện xưa kể rằng: Có một vị võ sĩ cầm đao chỉ vào một hòa thượng nói: “Giờ ta sẽ giết ngươi, ngươi có sợ không?”.
Hòa thượng trả lời: “Ta không sợ. Bởi vì giờ ngươi giết ta, ta lập tức lên Thiên đường, còn ngươi lập tức xuống Địa ngục”.
Trong truyện cổ Phật gia có kể rằng, Đức Phật khi đối mặt với ác quỷ quấy nhiễu thì không hề động tâm, hơn nữa còn nói, ta đã cách ly sợ hãi lâu rồi. Chúa Jesus cũng từng bị dẫn tới hoang địa, 40 ngày chịu cám dỗ của ma quỷ, nhưng trước sau đều không hề e sợ, giữ vững đức tin.
Người Trung Quốc giảng “kẻ có dũng thì không biết sợ”. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc; nhân giả bất ưu; dũng giả bất cụ”. Trí giả bất hoặc, tức bậc trí giả không có điều nghi ngờ, là vì người trí huệ minh tỏ lý lẽ, thấu tỏ nhân quả, cho nên mới có thể không mê không hoặc. Nhân giả bất ưu, là vì nhân giả bằng lòng với số mệnh, mới có thể không buồn không lo. Dũng giả bất cụ, tức bậc dũng giả không sợ, là bởi vì người dũng cảm có thể kiềm chế mọi tác động bên ngoài, vậy nên mới có thể không sợ hãi.
“Trí – Nhân – Dũng”, Nho gia gọi là “Tam đạt đức”. Bởi Nho gia tôn sùng phẩm chất đạo đức, cũng cần tu dưỡng đạt tới sự hoàn mỹ của 3 phẩm chất trọng yếu này, thiếu một thứ cũng không được.
Trong “Luận ngữ, Hiến Vấn”, Khổng Tử viết: “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên; nhân giả bất ưu, tri giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”. Khổng Tử cho rằng, đạo của quân tử có ba phương diện, “nhân giả bất ưu, tri giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”, nhưng bản thân cũng chưa làm được, nói người khác nhưng thực ra là nói chính mình.
Một người không có tâm sợ hãi, mới có thể trở thành thánh nhân. Có thể thấy, loại bỏ tâm sợ hãi thì nhất định sẽ thông suốt con đường trở thành giác ngộ. Bởi vì, một người không có tâm sợ hãi, mới có thể không vì cưỡng bức đe dọa mà dao động thay đổi, mới có thể vứt bỏ sinh tử trước mắt, mới có thể dũng cảm tiến tới, không chỗ nào không sợ. Cuối cùng thành tựu chính mình.
Tiêu trừ tâm sợ hãi không phải một lần là xong, mà là một quá trình tu sửa lâu dài. Phật giáo cho rằng, đối với các loại cảm xúc của chính mình, ví như sân hận, đố kỵ, ưu sầu, lo lắng, nhớ nhung… cũng cần phải tu chỉnh. Đối với lạnh, nóng, gió, mưa, đói, khát, lão, bệnh, tử… đều có thể thản nhiên sinh sống, không sinh tâm sợ hãi, không sinh ra cảm xúc dao động.
Kỳ thực, không chỉ ác quỷ mới khiến người ta sợ hãi, mà công việc áp lực, hoàn cảnh không thích hợp… đều khiến người ta sinh tâm sợ hãi. Chỉ có kiên định tín ngưỡng mới có thể khiến người ta không còn sợ hãi, không chỉ rời xa sợ hãi, mà thất tình lục dục, tam giới hữu tình cũng đều rời xa.
Có một câu chuyện xưa, kể rằng:
Một người thợ săn mang theo con chó đi săn thú, ông ta đã bắn trúng chân sau một con thỏ nhỏ. Con thỏ bị thương bắt đầu liều mạng chạy trốn, chó săn cũng lập tức đuổi theo không chịu bỏ cuộc.
Đuổi được một lúc, con thỏ chạy trốn càng lúc càng xa. Con chó biết đuổi theo không kịp, đành phải hậm hực trở về bên cạnh chủ. Người thợ săn mắng: “Ngươi thật vô dụng, ngay cả một con thỏ bị thương cũng không đuổi kịp!”.
Con chó săn nghe xong thấy không phục, nói: “Tôi chạy hết sức rồi!”.
Con thỏ mang theo vết thương bị súng bắn bỏ chạy thành công… Về nhà, các anh em nhà thỏ đều vây lại hỏi nó: “Con chó săn kia thật hung ác, cậu lại đang bị thương, vì sao mà chạy thoát được vậy?”.
Con thỏ nói: “Nó là chạy hết sức, còn tôi là chạy hết toàn lực của mình! Nó không đuổi theo tôi, cùng lắm chỉ bị mắng một trận, còn tôi không toàn lực mà chạy thì chỉ có mất mạng!”.
Toàn lực ứng phó là một loại dũng mãnh tinh tấn. Trong cuộc đời mỗi người, khó tránh khỏi những thử thách và phản đối, các loại mâu thuẫn va chạm. Lúc này, chỉ cần đúng mục đích, đúng lựa chọn thì hãy đi làm, kiên trì và kiên định, bởi vì dũng cảm không sợ, dũng cảm tất thắng.
Người Mỹ thường có một câu nói cửa miệng để an ủi người khác rằng – “Don’t worry”. Chính là khuyên người ta không cần lo lắng, không phải sợ. Còn có một câu khiến người ta rất dễ chịu đó là – “Step by step”, bước từng bước một cách tuần tự, khi cuối cùng đạt tới mục tiêu thì không còn thấy đột ngột bất ngờ, vì đã có nền móng vững chắc.
Bảo An, dịch từ Secretchina