Vườn rừng: Nơi mang lại nguồn thực phẩm hữu cơ lành mạnh và miễn phí
Không giống phần lớn các mô hình nông nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón, hình thức vườn rừng luôn có khả năng tự nuôi sống và cho năng suất cao, là mô hình rất hiệu quả vì thuận với tự nhiên.
Rừng thực phẩm (food forest) hay còn gọi là vườn rừng (forest gardening) là một hình thức nông nghiệp đã có từ rất lâu ở nhiều nền văn hóa bản địa. Đây là một mô mình trồng trọt không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, giúp tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp cây ăn quả và cây lấy hạt, cây bụi, thảo mộc, dây leo và cây lâu năm. Trồng kết hợp những loài cây hữu ích là một phần quan trọng trong mô hình vườn rừng.
Tại sao lại là vườn rừng?
Rừng là nơi sinh sống của khoảng 50-90% thực vật trên cạn – bao gồm các loài thụ phấn và các giống cây hoang dã, theo báo cáo của WWF Living Planet 2010.
Chỉ riêng rừng nhiệt đới đã có khoảng 10-50 triệu loài thực vật, tương đương hơn 50% số loài thực vật trên hành tinh. Rừng mưa chỉ bao phủ 2% bề mặt Trái Đất và 6% đất liền, nhưng cũng đã là nơi sinh sống của hơn một nửa số loài động thực vật trên thế giới.
Rõ ràng rừng là biểu tượng của sự sống, đa dạng sinh học và khả năng sinh sản, nơi nhiều loài sinh vật cùng quy tụ. Tại đây, chúng hình thành nên các mối quan hệ cộng sinh, hài hòa, giúp ích cho sự phát triển và sinh sôi nảy nở.
Nếu rừng là nơi chứa phần lớn sự sống trên hành tinh này, thì bất cứ mô hình nào nhỏ hơn rừng hầu như sẽ ít có khả năng nuôi dưỡng sự sống hơn. Sự sống sẽ nuôi dưỡng sự sống, ấy vậy mà chúng ta lại quên mất chúng ta đang là một phần trong mạng lưới này, và phải phụ thuộc vào sự sống khác để tồn tại.
Thật không may là con người ngày nay đã khai khẩn quá nhiều đất đai để tạo ra những cánh đồng cần nhiều nguồn đầu mới có thể duy trì sự sinh trưởng của cây trồng. Trong khi đó, vườn rừng lại có thể mang lại rất nhiều lợi ích so với các hình thức trồng trọt thông thường và canh tác độc canh phổ biến hiện nay.
Vườn rừng vừa cho năng suất cao, mà còn tạo ra sự đa dạng sinh học. Vườn rừng có thể phát triển ở hầu hết các vùng khí hậu, cũng vì chúng được trồng theo nhiều tầng nên rất phù hợp với các khu vực ngoại ô và đô thị. Hãy xem clip này để thấy cách một cặp vợ chồng đã biến một khu vực ngoại ô thông thường thành một khu vườn rừng có năng suất cao như thế nào.
Các tầng tán của vườn rừng
1. Lớp mái che hoặc lớp cây cao
Lớp cây này thường cao hơn 9m, dành cho các vườn rừng lớn. Cây gỗ, cây có hạt lớn và cây cố định đạm là những loại cây điển hình thuộc loại này. Một số cây ăn quả lớn cũng có thể được trồng trong lớp này tùy thuộc vào loài và gốc ghép được sử dụng.
2. Lớp dưới mái che/tầng cây bụi lớn
Thường cao từ 3-9m, có trong hầu hết các vườn rừng, hoặc ít nhất là những khu vực có không gian hạn chế, những cây này thường tạo nên lớp mái che. Phần lớn cây ăn quả nằm ở lớp này.
3. Lớp cây bụi
Lớp cây bụi thông thường cao 3m. Phần lớn các cây ăn quả thuộc lớp này, bao gồm nhiều cây lấy hạt, hoa, cây thuốc và các cây có lợi khác.
4. Lớp thân thảo
Thực vật trong lớp này sẽ chết vào mùa đông, nếu thời tiết đủ lạnh. Chúng không có thân gỗ như lớp cây bụi. Nhiều loại thảo mộc làm gia vị và thảo dược là thuộc lớp này.
5. Lớp phủ mặt đất
Một số loài thực vật có thể vừa thuộc lớp thân thảo vừa thuộc lớp phủ mặt đất. Tuy nhiên các loài thực vật trong lớp phủ mặt đất thường sống trong bóng râm, mọc dày đặc trên mặt đất, che lấp các khoảng đất trống và thường có thể chịu được sự đi lại, giẫm đạp.
6. Lớp bên dưới lòng đất
Đây thường là các loại rau củ. Nhiều loại cây này có thể được tận dụng trong lớp thân thảo, lớp dây leo, và lớp phủ mặt đất.
7. Lớp dây leo
Cây cố định đạm sẽ làm giá đỡ cho các cây dây leo. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tăng thêm năng suất cây trồng cho một không gian nhỏ, nhưng cũng cần phải cẩn thận. Nếu không, để hái quả có thể bạn sẽ phải leo lên cây cao 20m.
8. Lớp thủy sinh
Một số người sẽ nói một khu rừng sao có thể phát triển được trong nước, vì vậy lớp thực vật này không phù hợp với vườn rừng. Tuy nhiên, nhiều khu rừng có suối chảy qua hoặc có ao, hồ ở giữa.
Một số loài thực vật có thể sinh sôi mạnh mẽ ở khu lực đầm lầy hoặc ở mép nước, nhiều loại cây chỉ mọc trong nước. Nếu bỏ qua danh sách các loài cây này, chúng ta sẽ phải bỏ qua nhiều loài hữu ích cung cấp thực phẩm, chất xơ, dược phẩm, thức ăn gia súc, phân hữu cơ, sinh khối và quan trọng nhất là cung cấp hệ thống lọc nước thông qua xử lý sinh học. Vậy nên đã đến lúc để thêm lớp thủy sinh vào danh mục này.
9. Lớp nấm
Đây cũng là một lớp mới trong vườn rừng. Nấm thường sống ở những nơi đất màu mỡ. Chúng có thể sống ở trên và ngay cả bên trong các rễ cây trong khu rừng.
Mạng lưới nấm này có thể vận chuyển chất dinh dưỡng và độ ẩm từ nơi này sang nơi khác trong khu rừng tùy thuộc vào nhu cầu của cây trồng. Đó là một hệ thống tuyệt vời. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về lợi ích của nấm trong việc xây dựng và duy trì rừng, nhưng kỳ lạ là lớp này vẫn chưa được chính thức thêm vào danh mục.
Ngoài nhiệm vụ quan trọng đó, nấm còn cung cấp thực phẩm và thuốc men cho chúng ta sử dụng bất cứ lúc nào. Nếu chủ động hơn, chúng ta có thể đầu tư thêm vào lớp này và tăng đáng kể sản lượng thu hoạch.
Theo Collective Evolution