“Vùng biển chết chóc” của di dân
TT – Lãnh đạo 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải nhóm họp phiên đặc biệt tại Brussels (Bỉ) để bàn về tình hình người nhập cư lậu liều mình tìm miền đất hứa trên biển Địa Trung Hải.
Tình hình thật sự nghiêm trọng khi số người chết trong bốn tháng đầu năm nay đã vào khoảng 1.600 người, vượt hơn cả số thiệt mạng trên biển này trong hai năm 2012 và 2013, theo số liệu của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công bố tại cuộc họp hôm 23-4. Còn theo số liệu của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), Địa Trung Hải là “vùng biển chết chóc” nhất đối với người di tản trên thế giới hiện nay. Trong khoảng tháng 1 đến tháng 9-2014, số người thiệt mạng ở vùng biển phía nam châu Âu này là 3.072 người, chiếm đến 75% số người di dân thiệt mạng trên khắp thế giới trong cùng thời gian. Đau lòng hơn, ông Koji Sekimizu – tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) – đánh giá sẽ có khoảng nửa triệu người tìm cách vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu, và số người thiệt mạng trên đường tìm miền đất hứa có thể lên đến 10.000 người trong năm nay nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Người nhập cư lậu trên Địa Trung Hải chủ yếu đến từ Syria, Libya, Iraq, Tunisia, Sudan, Erythria, Somalia, Afghanistan… Nguyên nhân phần lớn được cho là trốn tránh những bất ổn ở quê nhà để đi tìm môi trường sống tốt hơn. Họ thường được các đường dây đưa đến ven biển Libya để từ đó trực chỉ sang Ý là con đường ngắn nhất. Tình hình bất ổn tại Libya hiện nay được xem là “địa lợi” để bọn bất lương thu lợi từ việc tổ chức vượt biển. Phần lớn người tị nạn trả cho bọn tổ chức với giá dao động 1.500-3.000 euro, theo lời ông Philippe Leclerc, đại diện của UNHCR, trả lời trên Đài Europe 1. Bọn buôn người có thể bỏ túi hàng trăm ngàn euro cho mỗi chuyến tàu nhỏ mà chúng nhồi nhét hàng trăm người trên đó và đẩy họ ra biển, bất kể sống chết. Thậm chí gần đây chúng tỏ ra liều lĩnh đến mức đưa cả thuyền cao tốc tháp tùng “chuyến hàng” để cướp lại tàu chở người dùng cho lần khác. Hôm 21-4, Cơ quan biên giới châu Âu Frontex công bố câu chuyện tàu tuần duyên Tyr của Iceland đã bị một nhóm vũ trang trên tàu cao tốc tấn công. Lực lượng trên tàu Tyr khi ấy vừa cứu 250 người di dân trên một tàu gỗ gần bờ biển Libya. Bọn buôn người đã nổ súng chỉ thiên và tàu Tyr buộc phải bỏ lại tàu gỗ cho chúng hôm 20-4. Hồi tháng 2, một nhóm tổ chức vượt biển cũng đã dùng tiểu liên tấn công tàu tuần duyên của Ý để cướp lại con tàu chở người mà phía Ý vừa cứu. Ông Fabrice Leggeri, giám đốc điều hành của Frontex, bình luận: “Điều đó cho thấy bọn tổ chức vượt biển ở Libya đang thiếu tàu chở người và chúng sẵn sàng dùng vũ lực để cướp lại tàu dùng cho chuyến tới”. Sau những vụ việc đau lòng gần đây, lãnh đạo EU có lẽ đã thống nhất được ý định chính trị là ngăn chặn các hoạt động liều mình trên biển mà một trong các giải pháp chính là tấn công trực diện bọn tổ chức vượt biển. Nhưng mọi việc cũng không dễ dàng như phát biểu của ông Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC): “Xin đừng chờ đợi các giải pháp nhanh chóng cho những nguyên do sâu xa của nạn di dân bởi vì không có giải pháp nào cả. Thật sự là nếu có thì chúng ta đã áp dụng từ lâu rồi”…
N.QUÂN
|
Theo Tuổi Trẻ