Vụ xâm phạm mồ mả tại Đà Nẵng: Người dân mất mộ được “đền” bằng mộ gió
Về vụ việc cải tạo thao trường, xâm phạm đến mồ mả tại nghĩa địa và khu Âm linh làng Nghi An, quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng), sáng 18.6, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức tiếp xúc nhân dân thông báo kết luận của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và UBND TP.Đà Nẵng về hướng xử lý vụ việc. Theo đó, bác bỏ thông tin đã xâm phạm 400 mộ phần tại khu vực này…
Đại diện các chư phái tộc làng Nghi An đều không đồng tình trước kết luận của QK5. Ảnh: T.Hải Không có cơ sở xác định hàng trăm mộ bị xâm phạm Đại tá Phan Văn Hạng – Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 5 (QK) – cho biết, sau khi kiểm tra thực địa, đối chứng, điều tra và lấy ý kiến các cơ quan chức năng liên quan, Bộ Tư lệnh QK5 và UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất, kết luận vụ việc. Theo đại tá Phan Văn Hạng, khảo sát thực địa và đối chiếu với bản đồ hiện trạng trước khi san ủi mặt bằng cho thấy, việc một số cơ quan báo chí đưa tin mất 400 ngôi mộ ở khu vực này là chưa có cơ sở. Ngoài 10 ngôi mộ bị Cty Tiến Thanh – đơn vị cải tạo thao trường phát hiện đã đào múc trong quá trình thi công, đối với các hộ dân báo mất mộ, khi xác định vị trí mộ tại thực địa, đối chiếu lên bản đồ hiện trạng trước khi san ủi đều nằm trong ụ chắn chống nổ chuyền của kho K55 và sân bêtông trước kho nên không có cơ sở xác định là có mộ. Bộ Tư lệnh QK5 và UBND TP.Đà Nẵng thống nhất giao các đơn vị, sở ngành chức năng phối hợp xác định ranh giới khu vực miếu âm linh và khu vực nghi có mộ âm linh, quy hoạch mới lối đi riêng đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi cho người dân khi vào thăm viếng mộ. Đồng thời cho phép trùng tu Miếu Âm linh và giữ nguyên khu vực nghi có mộ âm linh trong phạm vi 2.100m2. Việc di dời số mộ còn lại của dân, sẽ đề nghị thành phố nghiên cứu hỗ trợ. Dân xin làm mộ gió Hơn 10 bậc cao niên có mặt tại buổi họp đã lập tức phản đối kết luận này. Ông Nguyễn Lư bức xúc, nêu ra tên các mộ phần của ông nội, chú ruột, cô… đã bị Cty Tiến Thanh xúc đổ mất tích. “Vì khu vực kho bom, có mìn nên người dân không được tu bổ mộ hàng năm. Tuy nhiên trước giải phóng vẫn được quân đội cho phép đến thăm 2 lần/năm. Sau giải phóng, gia đình tôi có ít nhất 3 lần thăm mộ vào các năm 1978, 1980 và 25.2.2014. Bây giờ vào thì cả 6 ngôi mộ đã mất tích. Vì sao QK5 lại kết luận không có mộ? Hài cốt ông bà tôi đâu rồi?” – ông Lư nói. Ông Trần Văn Mạo cho rằng, tộc Trần của ông đã bị mất 38 ngôi mộ bởi sự cải tạo này. Hàng năm gia đình vẫn vào thăm, có giấy phép của chính quyền, quân đội, nhưng giờ QK5 kết luận như vậy chẳng lẽ bảo người dân dựng chuyện? Có đến 9 ý kiến tương tự phản đối kết luận của QK5 và UBND TP. Phó GĐ Sở LĐTBXH Đà Nẵng Thái Đại Hoàng dẫn chứng hàng loạt sự kiện lịch sử, các cứ liệu nghiên cứu, rồi khẳng định, là khu nghĩa địa Nghi An mà Cty Tiến Thanh xâm hại mồ mả là có mộ phần của nghĩa quân kháng Pháp, có mộ liệt sĩ và mồ mả của nhân dân. Tuy vậy, không thể xác định được số lượng cũng như vị trí vì thực địa đã quá thay đổi. Chủ tịch UBND phường Hòa Phát cũng đồng quan điểm này. Đề nghị Cty Tiến Thanh phải trả ít nhất 1 xe đất đã múc từ nghĩa địa cho nhân dân làm mộ gió chung cho những mộ phần đã mất để tưởng niệm. Trước phản ứng này, đại tá Phan Văn Hạng đã đồng ý cho làm mộ gió, buộc Cty Tiến Thanh thương lượng đền bù 38 ngôi mộ cho tộc Trần và hỗ trợ cho một số hộ khác. Đại tá Hạng cũng cho hay, vì kinh phí hạn hẹp nên dù hợp đồng Cty Tiến Thanh cải tạo thao trường nhưng QK5 không trả tiền cho đơn vị này. Ngược lại, Cty Tiến Thanh có quyền tận dụng đất thừa để chở ra ngoài bán cho các công trình, số tiền dư phải trả cho QK5. Việc Cty Tiến Thanh chở đất đi bán ngoài, không xin phép, vi phạm luật khai thác tài nguyên khoáng sản thì có cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Trả lời về việc xử lý hành vi xâm phạm mồ mả của Cty Tiến Thanh, đại tá Hạng cho biết: “Họ lỡ sai phạm rồi, chừ khắc phục chứ biết làm sao!”. Theo luật sư Đỗ Pháp – Đoàn LS TP.Đà Nẵng: Điều 245 – Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 quy định “1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” |
Theo Lao Động