Vụ sông Tô Lịch: JEBO gửi lời xin lỗi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
JEBO Nhật Bản gửi lời xin lỗi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì ‘hiểu lầm phát ngôn’ của ngài Chủ tịch và khẳng định phát biểu về việc JEBO chưa xin phép TP thí điểm làm sạch sông Tô Lịch là hoàn toàn đúng.
Sáng 10/12, Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO) thông qua Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) phát đi thông cáo báo chí khẳng định ‘Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu về việc JEBO chưa hề xin phép là hoàn toàn đúng’.
Tổ chức Nhật Bản xin lỗi Chủ tịch Hà Nội
Tổ chức này cũng gửi lời xin lỗi tới Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì gây ra vụ việc hiểu lầm vừa qua, làm ảnh hưởng đến uy tín của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Tổ chức Nhật Bản cho biết, sau khi xem lại công văn và toàn bộ quá trình làm thí điểm, JEBO nhận thấy nội dung công văn 142/TB-VP không nêu cho phép JEBO mà là “Đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện thí điểm”.
Điều này có nghĩa là về mặt pháp lý TP chỉ cho phép JVE phối hợp với đoàn chuyên gia Nhật Bản chứ TP không cho phép JEBO. Về mặt pháp lý, JEBO không phải là đơn vị xin phép UBND TP nên việc ra thông cáo khẳng định UBND TP đã cho phép JEBO thực hiện là hoàn toàn sai, về mặt pháp lý là Chủ tịch UBND TP thông tin đúng sự thật về việc JEBO không xin phép TP.
“JEBO chỉ là đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với công ty JVE về mặt kỹ thuật để thực hiện dự án nên việc ra thông cáo báo chí phản bác Chủ tịch UBND TP là chưa phù hợp. Thông cáo báo chí gây ra dư luận xã hội tại Việt Nam hiểu nhầm về Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, do vậy chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới ngài và mong ngài thông cảm”, JEBO cho biết.
Công nghệ được Ủy ban Olympic quốc tế chọn để xử lý ô nhiễm
Cũng theo JEBO thì Nhật Bản không phân biệt công ty nhà nước hay tư nhân, tổ chức chính phủ hay phi chính phủ…Và công nghệ Nano của JEBO đã được phát minh cách đây hơn 30 năm.
Hiện công nghệ này đang được sử dụng tại dự án cải thiện chất lượng nước sông Onga (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản năm 1994), dự án cải thiện tình trạng ‘siêu phú dưỡng’ của kênh Sakishima (Osaka, Nhật Bản) năm 2000.
Ngoài ra, Công nghệ Nano-Bioreactor còn được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 chọn để xử lý ô nhiễm nước vịnh Tokyo.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm hôm 6/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản vào thử nghiệm ở sông Tô Lịch mà chưa hề xin phép thành phố.
Sau đó, ngay trong buổi sáng ngày 7/12, JEBO đã phát đi thông cáo báo chí cho rằng phát biểu trên của Chủ tịch Hà Nội là ‘sai sự thật’.
Trao đổi với phóng viên ngày 9/12, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng tổ chức JEBO và Công ty môi trường Nhật Việt không liên quan gì đến nhau. Thành phố đang phối hợp với đại sứ Nhật làm rõ sự việc, xác minh người xưng danh của Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản để gửi thông cáo vừa qua.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, không thể có chuyện tổ chức đó làm công văn phản đối khi thành phố chưa bao giờ cho phép họ triển khai các công việc liên quan đến thí điểm làm sạch sông Tô Lịch…
Tại buổi tiếp xúc cử tri vào tuần trước, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao về đề xuất thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây của phía Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tổ chức xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố.
Cụ thể là việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm, không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho hay thông báo kết luận về việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch đã công khai gửi đến các bộ, ban ngành, chứ không phải thành phố để cho một công ty nào vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bức xúc xã hội.
Vũ Tuấn (t/h)