Vụ chai Number 1 có ruồi: Tân Hiệp Phát phủ nhận việc “gài bẫy” anh Minh
Trong phiên xử hôm 17/12, đại diện công ty Tân Hiệp Phát phủ nhận việc báo công an bắt quả tang anh Minh nhận tiền. Việc phủ nhận này khiến dư luận phẫn nộ. Độc giả Thu Nguyệt nói: “Rõ ràng nếu Tân Hiệp Phát không báo, không thể có việc cơ quan công an bắt quả tang ông Minh nhận tiền, đây như kịch bản đã được sắp xếp”.
Nhiều mâu thuẫn
Ngày 17/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử công khai ông Võ Văn Minh (30 tuổi ngụ Cái Bè, Tiền Giang) về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 và 4 điểm a điều 135 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân đọc cáo trạng, trong phần thẩm vấn nhiều vấn đề trong vụ án được phơi bày ra ánh sáng.
Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Ngọc – hội thẩm nhân dân đặt ra câu hỏi thẩm làm rõ hành vi đe dọa của bị cáo Võ Văn Minh khi đòi tiền của Tân Hiệp Phát.
Tại phần này, ông Minh khai lại việc mình đã gọi điện thoại, yêu cầu Tân Hiệp Phát hoặc đưa tiền, hoặc ông Minh sẽ phát tán thông tin về việc nước ngọt có ruồi cho cơ quan truyền thông.
Trả lời tại phiên tòa, ông Minh nói việc gọi điện yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa tiền cho đến việc nhận tiền đều suy nghĩ hành vi này không vi phạm pháp luật.
Sau khi xét hỏi bị cáo Minh xong, Hội thẩm nhân dân tiếp tục thẩm vấn với đại diện của công ty Tân Hiệp Phát là bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát.
Trước câu hỏi, vì sao công ty đã báo công an mà vẫn chi tiền 500 triệu đồng? Bà Bích nói mục đích là để bảo vệ uy tín của công ty và vì lo sợ mất thương hiệu.
Vị Hội thẩm nhân dân hỏi tiếp, sau khi thống nhất đưa tiền cho anh Minh, nhân viên tên Long là người được cử đi giao tiền, vậy ai là người báo công an để công an bắt.
Bà Bích nói rằng, bà không biết ai báo. Và theo bà Bích thì không có ai đi báo công an.
Phần trả lời bà Bích không hài lòng người có mặt dự tại phiên tòa. Phía hội thẩm nhân dân tiếp tục hỏi ngược lại: “Không ai báo tại sao công an lại đi bắt anh Minh đúng vào lúc giao tiền?”. Ở câu hỏi này, bà Trần Ngọc Bích không trả lời.
Cũng trước câu trả lời của bà Bích, ngay dưới bài viết trên các báo tường thuật diễn biến phiên tòa, độc giả khắp cả nước đã có ý kiến, bày tỏ sự phẫn nộ.
Độc giả Thu Nguyệt viết: “Rõ ràng nếu Tân Hiệp Phát không báo công an không thể có việc cơ quan công an bắt quả tang anh Minh nhận tiền, đây như kịch bản đã được sắp xếp trước”.
Đồng quan điểm, độc giả ngosytu viết: “Nếu không có người báo mà công an bắt được quả tang vụ việc, địa điểm thời gian giao nhận tiền thì quả nghiệp vụ công an quá giỏi”.
Nhận định sự việc hầu hết độc giả cho rằng: Ông Minh bị gài bẫy bởi nếu Tân Hiệp Phát không sợ thì đâu có cần gặp ông Minh để thương lượng. Còn khi ông Minh cố tình đưa thông tin cho truyền thông, làm ảnh hưởng uy tín của Tân Hiệp Phát thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện tội vu khống (nếu chai nước không phải của Tân Hiệp Phát hoặc đã bị làm giả).
Tại phiên trả lời, bà Bích cho rằng việc đưa tiền cho ông Minh do lo lắng ảnh hưởng đến thương hiệu của Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên câu trả lời bà Bích mâu thuẫn với phần trả lời chất vấn của LS. Phạm Hoài Nam (người bào chữa cho bị cáo Minh).
Cụ thể, khi LS. Nam hỏi, sản phẩm chai Number One có ruồi có phải là của Tân Hiệp Phát hay không, bà Bích nói rằng, vì là sản phẩm có nhãn của Tân Hiệp Phát nên Tân Hiệp Phát muốn thu hồi về để xác định xem đây có phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát hay không.
Về lý do dù không biết chắc nó có phải là sản phẩm của mình hay không, nhưng vẫn cử người đi thương lượng, bà Bích nói rằng: “Tôi không muốn dư luận nói về vấn đề này, và chúng tôi lấy về để cảm ơn khách hàng”.
Mặt khác theo bà Bích, quy định của Công ty Tân Hiệp Phát không dùng tiền để giải quyết vấn đề khiếu nại về chất lượng sản phẩm của khách hàng.
Từ đây, người dự phiên tòa đặt ra câu hỏi nếu quy định Công ty Tân Hiệp Phát như vậy thì tại sao bà Bích lại quyết định cử người đi thương lượng sau đó mang số tiền 500 triệu đồng giao cho ông Minh.
Ai gây ra thiệt hại cho Tân Hiệp Phát
Tại phiên tòa bà Bích cho rằng, Tân Hiệp Phát đã bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên khi LS. Nguyễn Tấn Thi (người bào chữa cho ông Minh) đặt câu hỏi ai là người gây thiệt hại?
Bà Bích trả lời: “Khi chuyện này xảy ra, thiệt hại đến doanh số kinh doanh và thương hiệu”.
LS. Thi hỏi tiếp: “Anh Minh làm gì đến việc gây thiệt hại cho Tân Hiệp Phát? Thiệt hại gián tiếp? Anh Minh chưa phát tờ rơi. Vậy thiệt hại do nguyên nhân nào?”
Bà Bích trả lời: “Do thông tin về vụ việc này đưa ra”.
Từ trả lời bà Bích, LS.Thi dẫn giải những thiệt hại của Tân Hiệp Phát là do thông tin trên truyền thông báo chí không phải do ông Minh. Bản thân ông Minh cũng không tung ra thông tin, không in tờ rơi hay báo cho cơ quan báo chí.
Từ đây LS. Thi đặt câu hỏi, trong vụ án Tân Hiệp Phát đang được xem xét là nguyên đơn dân sự hay bị hại.
Tại tòa, LS. Phạm Hoài Nam cũng cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Theo LS. Nam giữa Tân Hiệp Phát và ông Minh có sự thỏa thuận, ông Minh yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền thì chỉ là quan hệ dân sự.
Do đó, căn cứ vào hành vi không cấu thành tội phạm, bị cáo không phạm tội, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.
Hai luật sư Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam đề nghị tuyên Võ Văn Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Trước tranh luận của luật sư bào chữa bị cáo, Viện kiểm sát bác bỏ luận điểm của luật sư bào chữa và cho rằng Minh đủ nhận thức rằng hành vi của mình là sai, nhưng vì tham lam nên đã có hành vi đe dọa phát tán làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát, đề nghị phạt Minh 12 đến 13 năm tù.
Trước căng thẳng thanh luận các bên, hội đồng xét xử quyết định tạm nghỉ, đến ngày 18/12 xử tiếp.
Theo giaoduc.net