Vụ bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị xâm hại: Tại sao chưa khởi tố?
Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tuổi bị xâm hại tình dục tại quận Hoàng Mai, đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra vụ việc.
Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tuổi bị xâm hại tình dục, từ ngày 10/1 gia đình đã tố cáo vụ việc với Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tính đến nay là gần 2 tháng, người đàn ông bị gia đình tố cáo cũng đã chuyển khỏi nơi sinh sống. Gia đình bé gái bị xâm hại cần phải làm các bước gì tiếp theo để bảo vệ cho con gái mình và đưa kẻ phạm tội ra pháp luật?
Luật sư Lê Văn Luân, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo thông tin vụ việc chính thức thì ngày 10/1, mẹ cháu bé đã có đơn tố cáo đến Công an phường Thịnh Liệt. Ngày 11/1, cơ quan Công an quận Hoàng Mai đã thụ lý vụ án. Ngày 12/1, cơ quan Công an đã triệu tập đối tượng H. lên làm việc và được thả ngay sau đó. Từ đó đến nay cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ việc.
Sau đó, gia đình đã đưa đơn yêu cầu giải quyết khẩn cấp lên cơ quan Công an thành phố Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội để giải quyết kịp thời sự việc.
Với những chứng cứ gia đình cung cấp thì người đàn ông bị “tố” có hành vi xâm hại tình dục cháu N. có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, khi chứng minh có đủ dấu hiệu dâm ô trẻ em.
Với vụ việc này, khi cơ quan điều tra hoàn tất công tác điều tra, đủ dấu hiệu có thể tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội danh dâm ô trẻ em tại điều 116 Bộ luật Hình sự; Nếu theo khoản 1, với hành vi dâm ô thông thường sẽ bị xử phạt từ 6 tháng đến 3 năm; khoản 2, nghiêm trọng hơn thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm; Nếu rơi vào rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 7 – 12 năm (Đây là mức xử phạt theo quy định pháp luật đối với người có hành vi dâm ô).
Theo luật sư Luân, dâm ô ở đây có thể hiểu không phải chỉ có hành vi giao cấu mà cả việc dùng tay để tiếp cận đến các bộ phận sinh dục của người bị hại đang là trẻ em thì sẽ bị truy tố về tội danh tại điều 116 BLHS với mức hình phạt như đã nêu trên.
Tại sao chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố?
Theo luật sư Luân, hiện tại cơ quan điều tra đang chờ kết quả giám định mẫu tóc của cháu và mẫu móng tay của đối tượng. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự quy định, tội dâm ô chỉ cần có hành vi sờ soạng, dùng tay đụng vào bộ phận sinh dục. Ở đây đã có nhân chứng và giám định phù hợp với nhau, nó là một chuỗi chứng cứ.
Cũng theo luật sư Luân, trong chiều nay (13/3) gia đình bị hại cùng luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại sẽ gửi đơn lên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Giám đốc Công an TP. Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Quốc Bình – Phó Giám đốc công ty luật Long Hà (Hà Nội) chia sẻ: Để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là điều không đơn giản, bởi nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan…
Theo luật sư Bình, gia đình nạn nhân có thể làm đơn khiếu nại về việc cơ quan điều tra vi phạm luật tố tụng tới Thủ trưởng cơ quan điều tra và Viện trưởng VKSND quận Hoàng Mai. Thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể tại Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trước đó, VKSND Tối cao đã có thông báo số 28/TB-VKSNDTC yêu cầu VKSND TP Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao theo dõi.
Trưa 13/3, phóng viên liên hệ đến cơ quan Công an quận Hoàng Mai, một cán bộ cho biết đơn vị đang tiến hành điều tra, xác minh sự việc theo quy định pháp luật.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc nêu trên và sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh đúng pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.
Tổng hợp