Vòng tay lạc – Bạn đồng hành của phụ nữ Ấn Độ
Những chiếc vòng tay của phụ nữ Ấn Độ không chỉ được biết đến như một phụ kiện, nó còn là một nhân chứng cho cuộc đời của một cô gái từ khi còn trẻ cho đến khi trưởng thành.
Ai sẽ mua những thứ tinh tế này
Những chiếc vòng ánh sáng bảy sắc cầu vồng?
Những kỷ vật của cuộc sống rạng rỡ
Cho những cô gái và người vợ hạnh phúc.
Đó là lời bài hát được sáng tác bởi giọng sơn ca của Ấn Độ, Sarojini Naidu, vang lên những tâm sự thầm kín của hầu hết phụ nữ nơi đây. Khi mới là một đứa trẻ chập chững, những cô bé với cổ tay nhỏ sẽ được trang trí bằng những chiếc vòng bằng vàng và bạc, trải qua nhiều năm, các em lớn lên trở thành cô gái trưởng thành, những chiếc vòng sẽ là người bạn đồng hành khi cô dâu trẻ bước qua ngưỡng cửa hôn nhân hạnh phúc.
Vỏ sò, đồng, thiếc, vàng, đá mã não, đá Chalcedony đã được người dân Ấn Độ sử dụng làm vòng đeo tay trong nhiều thế kỷ. Nghệ thuật làm vòng đeo tay tại Maniharon ka Raasta ở Jaipur có một sự tinh tế đặc biệt. Phong cách đeo vòng ở đây là một bộ gồm nhiều chiếc vòng, điều này làm cho nó trở nên phong phú hơn và khi các cô gái di chuyển những chiếc vòng phát ra tiếng leng keng nghe rất vui tai.
Công việc sản xuất vòng tay là một nghệ thuật lâu đời ở thành phố Jaipur. Xưa kia, vị vua của thành Amer đã cho tập trung đến đây những thợ thủ công hàng đầu từ huyện Manoharpur của bang Uttar Pradesh. Khi thành phố mới được thành lập, những thợ thủ công này cũng chuyển cơ sở của họ từ Amer đến Jaipur.
Trên những con đường, các cửa hàng được bày bán với vô số những chiếc vòng khác nhau. Chúng chủ yếu được bán bởi những người phụ nữ, trong khi đàn ông ở trong lò nung và chuẩn bị các nguyên liệu nóng chảy.
Các vòng tay cổ xưa được làm từ một loại nhựa tổng hợp từ cây Lạc. Côn trùng nhỏ như bọ cánh kiến, Carteria lacca và Tachardia lacca cư trú ở các nhánh của một loài cây được chọn làm vật chủ tiết ra một loại nhựa màu đỏ tươi được gọi là Lạc.
Sau đó các lớp nhựa khác nhau được cạo bỏ, rửa, sàng lọc nhiều lần để loại bỏ các tạp chất cho đến khi nó xuất hiện màu đỏ tự nhiên. Lạc được mua lại từ Balrampur ở Uttar Pradesh cho vào nước nóng để các tạp chất lắng xuống và phần tốt nhất của nó nổi lên bề mặt.
Lac nóng chảy ban đầu có màu gạch đỏ, các nơi sản xuất vòng tay sẽ tiếp tục thêm sáp để tăng độ dính, titan để tăng chất lượng và màu sắc. Nói chung số lượng chất phụ gia thay đổi từ 5-95% tùy theo chất lượng của các vòng đeo Lac.
Quá trình lấy Lạc được thực hiện trong các lò bùn lớn. Phần Lạc cứng được đặt trên các tấm kim loại nóng được phủ bởi một lớp dầu ngăn không cho Lạc dính vào tấm kim loại. Sau đó loại bột nửa rắn này được cuộn thành khúc, khi rắn lại nó được chuyển đến những người phụ nữ ở các cửa hàng trong thành phố.
Những con lăn chân được sử dụng để dát mỏng những khúc Lạc khô và lấy nó đi gia công. Sau đó nó được cuộn lại theo hình dạng của một chiếc vòng.
Kích thước của những chiếc vòng được điều chỉnh bằng cách đun nóng trên bếp và ép nhẹ nhàng lên các dùi cui bằng gỗ có các đường kính khác nhau.
Vẻ đẹp của những chiếc vòng nổi bật ở chỗ phụ nữ Manihari có thể tạo ra phụ kiện cho khách hàng bằng cách điều chỉnh chiếc vòng với kích thước mong muốn và trang trí chúng với các hạt đá, tinh thể và những vật liệu khác theo ý thích của khách hàng.
Một điểm thú vị khác là khi các vòng Lạc bị hỏng, nó sẽ dễ dàng được nối lại bằng cách đun nóng nhẹ rồi chỉnh sửa lại trong khuôn gỗ. Tuy nhiên quá trình hàn gắn này chỉ có thể lặp lại từ 8-10 lần.
Các nghi lễ Rajasthani ở đây luôn yêu cầu được trang hoàng theo các phong cách truyền thống cụ thể, các lễ hội khác nhau sẽ có những cách trang trí khác nhau. Do đó việc bán các vòng đeo tay là cần thiết trong các lễ kỷ niệm địa phương như lễ hội Marawi của Gangaur, Karva Chauth, Holi, đám cưới, nghi lễ đặc biệt dành cho các bà mẹ.
Trong thực tế, mỗi buổi lễ kỷ niệm có thể được nhận biết qua phong cách riêng biệt của từng kiểu vòng. Ví dụ, vòng đeo tay màu đỏ thường được đeo trong đám cưới, vòng màu hồng được mang trong suốt lễ hội ném bột màu Holi,…
Nạn phá rừng bừa bãi đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến dự trữ Lạc của Ấn Độ, dẫn đến sự leo thang về giá cả của nguyên liệu này. Nhưng có ít người nhận ra điều này và vẫn mong chờ giá của các vòng tay trở lại như trước.
Bằng chứng thuyết phục cho sự suy giảm này là số lò chế biến Lạc đã giảm chỉ còn khoảng 200-250 lò từ con số 1500 trong 25 năm trước. Nhiều thợ gia công đã chuyển sang công việc khác.
Hoàng An, Theo Gaatha