VN thêm 2 ca mới; Ấn Độ 580 trường hợp phản ứng thuốc, 2 người tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Hai ca mắc mới được công bố ở Đà Nẵng và Hà Nội đã nâng tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 1.539 ca; Ấn Độ có đến 580 trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc xin Covid-19, trong số này đã có 2 người tử vong. Trong khi Đức phát hiện thêm biến thể nCoV mới thì các nhà khoa học cho biết biến thể ở Nam Phi không chỉ có tốc độ lây lan nhanh hơn mà còn có độc lực mạnh hơn nhiều so với virus gốc.
Đà Nẵng, Hà Nội thêm 2 ca mới mắc Covid-19
Bộ Y tế tối 18/1 đã công bố thêm 2 ca mới mắc viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), trong đó có 1 chuyên gia người Costa Rica, được cách ly ngay tại ở Hà Nội và Đà Nẵng, nâng tổng số ca bệnh ở Việt Nam lên 1.539 bệnh nhân.
Bệnh nhân 1.538 (BN 1538): Nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Vào ngày 13/01/2021, bệnh nhân trên từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN431 (từng ghi nhận 3 ca dương tính trước đó), được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.
Kết quả xét nghiệm ngày 17/01/2021 khẳng định bệnh nhân dương tính với chủng virus Vũ Hán. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bệnh nhân 1.539 (BN 1539): Nam, 59 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Costa Rica.
Vào ngày 16/01/2021, bệnh nhân trên từ Dubai-UAE đáp chuyến bay KE394 xuống sân bay Nội Bài, được cách ly ngay tại Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm công bố hôm 17/01/2021 cho thấy bệnh nhân dương tính với chủng virus Vũ Hán. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tính đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam đã tăng lên đến 1.539 ca. Trong đó có 35 ca đã tử vong, hai ca khác là BN 1405 và BN 1465 tiên lượng nặng.
Trong tổng số 1.402 ca được chữa khỏi có nhiều trường hợp bị tái dương tính với chủng virus Vũ Hán. Tính đến tối 18/1, Việt Nam vẫn còn 17.954 người phải cách ly phòng dịch.
Ấn Độ có đến 580 trường hợp phản ứng thuốc, 2 người tử vong sau 3 ngày tiêm vắc xin Covid-19
Theo nguồn tin từ VOV, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 580 trường hợp phản ứng với thuốc, trong đó có 2 người đã tử vong, sau 3 ngày bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 kể từ ngày 16/1.
Các trường hợp Phản ứng sau tiêm chủng (AEFIs) này xuất hiện khắp cả nước, 7 ca trong số đó đã phải nhập viện. Hai trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra tại bang Uttar Pradesh và Karnataka.
Trước sự hoang mang của dư luận, giới chức y tế Ấn Độ thông báo rằng ít nhất 1 trong 2 ca tử vong trên không liên quan tới vắc xin. Trường hợp còn lại vẫn đang được điều tra phân tích.
Tới cuối ngày 18/01, Ấn Độ đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 381.305 người.
Trước đó, Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ đã phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vắc xin là Covishield do Đại học Oxford cùng hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu phát triển và Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và Covaxin do công ty dược Ấn Độ Bharat Biotech phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ cùng Viện Vi trùng học Quốc gia bào chế.
Biến thể nCoV mới ở Nam Phi có tốc độ lây lan nhanh và khiến bệnh nặng hơn
Theo TTXVN thì các nhà khoa học Nam Phi vừa tìm ra bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus Vũ Hán có nguồn gốc từ nước này có độc lực mạnh hơn cũng như có tốc độ lây lan cao hơn nhiều so với virus gốc.
Cụ thể, biến thể 501Y.V2 của nCoV này có khả năng bám dính chặt và sâu hơn bên trong tế bào vật chủ, do đó khiến bệnh tình nặng hơn cũng như khó chữa trị hơn.
Được phát hiện lần đầu tại khu vực Mandela Bay từ tháng 8/2020, biến thể 501Y.V2 được chuyên gia y tế đánh giá là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 và tử vong tại Nam Phi tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam bao gồm 2 tỉnh duyên hải Eastern Cape và Western Cape, nơi có thành phố du lịch mang tính biểu tượng toàn cầu là Cape Town.
Giáo sư Salim Abdool Karim, một trong những chuyên gia dịch tễ học hàng đầu, đồng thời là trưởng Nhóm tư vấn chính phủ về công tác ứng phó dịch Covid-19 nêu rõ, với 23 đột biến khác nhau, ngoài khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh, biến thể 501Y.V2 còn khiến công tác tầm soát dịch bệnh của các lực lượng chức năng càng thêm khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, biến thể mới ở Nam Phi đã lây lan tới ít nhất 23 quốc gia trên thế giới. Nhiều hãng hàng không quốc tế theo đó đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi.
Cùng lúc đó, có ít nhất 10 quốc gia tạm dừng kết nối đường không với Nam Phi bao gồm Đức, Hà Lan, Israel, Đan Mạch, Anh, Saudi Arabia, Việt Nam, Thụy Sĩ, Panama và Mauritius.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu xem liệu các loại vắc xin ngừa Covid-19 đang lưu hành có bị giảm hiệu quả đối với biến thể 501Y.V2 hay không.
Tính đến hết ngày 18/1, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1.346.936 ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,2 triệu ca nhiễm toàn châu Phi. Từ đầu tháng 1 đến nay, Nam Phi có thêm 260.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong do Covid-19.
Số người nhập viện điều trị đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát – lên tới hơn 20.000 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% bệnh nhân cần hỗ trợ thở oxy.
Xuất hiện biến thể nCoV mới ở Đức sau đợt bùng phát Covid-19 tại bệnh viện
Tờ Munchner Merkur ngày 18/1 đưa tin giới chức y tế bang Bavaria (Đức) phát hiện có 73 bệnh nhân và nhân viên tại Bệnh viện Garmisch-Partenkirchen có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Trong số này, ít nhất 3 người tại Bệnh viện được phát hiện nhiễm biến thể mới chưa từng được biết đến của SARS-CoV-2. Theo tờ báo trên, 70 người còn lại nhiễm các biến thể đã được các nhà khoa học biết đến.
Theo trang worldometer, đến nay thế giới đã ghi nhận 95,97 triệu ca bệnh và 2,04 triêu ca tử vong do Covid-19.
Vũ Tuấn (t/h)