Virus xác sống bùng phát khiến sâu bướm nổ tung xác
Mới đây các nhà khoa học Anh phát hiện sự bùng phát của một loại virus xác sống đã khiến nhiều con sâu bướm nổ tung xác sau khi bò về phía ánh nắng.
Các chuyên gia về động vật hoang dã ở Anh phát hiện hiện tượng sâu bướm oak eggar, một loại phổ biến ở Anh và châu Âu, nổ tung xác trên cây do nhiễm virus xác sống baculovirus, Telegraph ngày 2/8 đưa tin.
Tiến sĩ Chris Miller, quản lý khu bảo tồn thiên nhiên ở Lancashire, Manchester và North Merseyside, đã phát hiện xác của nhiều sâu bướm trên ngọn cây ở West Pennine Moors trong khi tiến hành một cuộc khảo sát sức khỏe của những con bướm ở Winmarleigh Moss, gần Garstang.
“Cảnh tượng giống như một bộ phim xác sống kinh dị“, Miller nói về những con sâu bướm bị nổ tung xác.
Tiến sĩ Miller cho biết, việc bò lên vị trí cao trên cây là hành vi bất thường của sâu bướm vì chúng có thể bị kẻ săn mồi ăn thịt. “Sâu bướm oak eggar thường náu mình trong lòng đất, không phải trên ngọn cây“, Miller giải thích.
Miller nói với tờ Mail Online rằng, ông chưa bao giờ chứng kiến sự việc tương tự trong suốt 8 năm làm việc cho Wildlife Trust, một tổ chức quốc tế đứng đầu trong việc nghiên cứu sự liên quan giữa các hệ sinh thái, động vật hoang dã và sức khỏe con người. Vị Tiến sĩ này còn cho hay, đồng nghiệp của ông cũng chưa từng gặp hiện tượng này trong suốt 25 năm.
Theo các chuyên gia, virus xác sống đã làm thay đổi bản năng lẩn trốn khỏi ánh nắng Mặt trời của sâu bướm, buộc chúng bò lên ngọn cây. Cơ thể sâu bướm hóa lỏng tại đây trước khi phát nổ, làm lây nhiễm virus cho những con côn trùng khác.
Người phát ngôn của Wildlife Trust cho biết, tổ chức đã yêu cầu mọi người báo cho họ khi phát hiện sâu bướm hoặc ốc sên bò lên ngọn cây.
Virus baculovirus được ghi nhận gây bệnh héo ở tằm từ thế kỷ XVI. Các nhà nghiên cứu sử dụng virus này làm thuốc trừ sâu vì chúng chỉ tấn công động vật không xương sống và có tính đặc hiệu cao.
TinhHoa tổng hợp