Vietnam Airlines đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng âm, chào bán cổ phiếu
Không chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm tới, Vietnam Airlines còn dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 15,5753% thông qua hình thức chào bán cổ phần ra công chúng để mở rộng đội bay.
Thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 36,4%, thoái vốn khỏi SaigonPost
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã HVN-UPCoM) dự kiến sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 20/6 tới đây tại Hà Nội. Theo tài liệu họp mới được Tổng công ty công bố, Vietnam Airlines đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm tới, trong khi đó doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 15,5753% thông qua hình thức chào bán cổ phần ra công chúng. Với kế hoạch này, EPS của cổ phiếu HVN sẽ giảm so với mức 1.685 đồng/cp đạt được trong năm 2016.
Theo phương án trình cổ đông, Vietnam Airlines dự kiến sẽ tăng lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển lên lần lượt 9,3% và 9,7%. Doanh thu hợp nhất năm 2017 đặt mục tiêu tăng trưởng 22,7% lên 87.900 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại chỉ phấn đấu đạt 1.338 tỷ đồng, giảm 36,4%.
Đối với đội tàu bay, trong năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 91,2 tàu bay, tăng 4,9 tàu so với năm 2016. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu đội bay thân rộng: bán 04 tàu B777, dừng khai thác và trả 03 tàu A330, bán và thuê lại 04 tàu A350 và 01 tàu B787.
Năm 2016, chi phí nhiên liệu, mảng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của một hãng hàng không, chỉ ở mức thấp cùng sự ổn định của tỷ giá USD/VND đã hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận của Vietnam Airlines.
Tuy vậy, Vietnam Airlines cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tổng tải cung ứng toàn thị trường tăng trưởng nhanh hơn sức mua. Hạ tầng hàng không cũng chưa đáp ứng đủ khi các sân bay, đặc biệt là Tân Sơn Nhất, thường xuyên trong tình trạng quá tải làm tăng giờ bay thực tế, qua đó làm tăng chi phí của hãng hàng không. Tình trạng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2017. Theo Vietnam Airlines, sân bay Nội bài và Tân Sơn Nhất sẽ đưa vào sửa chữa cuối năm 2017 khiến giới hạn khai thác giảm 30% so với hiện tại.
Với kết quả đạt được của công ty mẹ năm 2016, Vietnam Airlines trình cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6%, tương đương với 736,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn lại hơn 550 tỷ đồng.
Trong năm 2017, ngoài kế hoạch kinh doanh chính, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn ngoài ngành tại 2 doanh nghiệp còn lại gồm Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SaigonPost – SPT) và Công ty cổ phần Nhựa cao cấp hàng không (APLACO). Tính đến 31/12/2016, TCTHK đã thực hiện đầu tư vào 21 doanh nghiệp hoạt động SXKD trong dây chuyền vận tải hàng không với tổng vốn đầu tư tính theo mệnh giá là 6.438,3 tỷ đồng.
Huy động từ cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 15,57%
Năm 2016, Vietnam Airlines đã thực hiện đầu tư tàu bay với giá trị 7.497 tỷ đồng, bao gồm 3 tàu B787 (sở hữu) và 2 tàu A350 (bán rồi thuê lại). Tuy nhiên, phục vụ cho kế hoạch mở rộng đội bay, Vietnam Airlines dự kiến sẽ phát hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 15,5753%. Giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Với tỷ lệ sở 86,16%, cổ đông Nhà nước mà cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phải góp thêm 1.647 tỷ đồng. Tuy nhiên, không dễ dàng để Nhà nước sử dụng vốn để góp vào doanh nghiệp trong tình hình ngân sách hiện tại.
Năm 2016, trong lĩnh vực tài chính, đã có những ngân hàng TMCP Nhà nước dù đã được ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch không chi trả cổ tức hoặc trả cổ tức bằng tiền mặt nhưng cuối cùng vẫn thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Một số ngân hàng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu nhưng không thực hiện được.
Số vốn mà Vietnam Airlines huy động dự kiến là 1.911,9 tỷ đồng dự kiến sẽ bổ sung vốn điều lệ để thực hiện Dự án mua máy bay B787-9 và A350 (thanh toán/bù đắp tiền), đồng thời cũng là nguồn bổ sung vốn lưu động (thanh toán các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh).
Theo kế hoạch đề ra năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến mua sau đó bán và thuê lại 04 tàu A350 và 01 tàu B787. Với hình thức bán và thuê lại này, các hãng hàng không có thể phải đặt cọc trước tiền mua. Nhưng thực tế khi hoàn tất việc bán lại, tiền vốn sẽ được thu hồi và có thể giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận. Trong năm 2016, thương vụ bán và thuê lại 3 máy bay A350 giúp hãng hàng không này thu chênh 1 triệu USD/máy bay.
Việc huy động vốn có thể nhằm chuẩn bị nguồn tiền, tăng khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính trong các năm sau.
Vietnam Airlines lên kế hoạch phát hành cổ phiêu tăng vốn vào quý IV/2017 hoặc một thời điểm khác theo quyết định của HĐQT được ĐHĐCĐ ủy quyền. Trong khi đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2017 này, sẽ thêm gánh nặng cho EPS khi Vietnam Airlines thực hiện tăng vốn.
Theo ndh