Việt Nam tăng lên 2.535 ca bệnh; nguồn gốc bùng phát dịch Covid-19 sắp được tiết lộ?
Sau khi ghi nhận 4 ca mắc Covid-19 vào tối qua, sáng nay (12/2), Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 2 ca nhiễm mới do lây chéo trong khu cách ly ở Hải Dương, nâng tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 2.535 ca; các thành viên trong nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của WHO cho biết, trong tuần tới sẽ công bố báo cáo về những kết luận ban đầu của chuyến điều tra nguồn gốc dịch bệnh tại Vũ Hán vừa qua.
Theo đó, Bộ Y tế đã ghi nhận một ca dương tính Covid-19 sau 36 ngày được cách ly trong số 2 ca nhiễm mới được công bố trên. Cụ thể:
BN 2.534 ghi nhận tại TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) là F1 của BN 2528, đã được cách ly tập trung từ ngày 8/3. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
BN 2535 ghi nhận tại TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) là công nhân Công ty Poyun, đã được cách ly tập trung từ ngày 28/1, đến ngày 16/2 ghi nhận người ở chung phòng cách ly dương tính nCoV và trở thành BN 2299.
Ngày 27/2, bệnh nhân có triệu chứng ho, đau rát họng, được lấy mẫu cho kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính với chủng virus Vũ Hán; tiếp tục lấy mẫu các ngày 1/3, 5/3 để xét nghiệm lại.
Ngày 6/3 bệnh nhân dương tính Covid-19, hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
Thêm 4 ca sốc phản vệ sau tiêm vắc xin; BN 1536 suy tim nặng, thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe dọa tính mạng
Thanh Niên dẫn nguồn tin từ chương trình TCMR cho biết, ngày 11/3 đã ghi nhận thêm 4 trường hợp sốc phản vệ độ 2 (trước đó, ngày 9/3 ghi nhận 2 trường hợp) sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Hiện các trường hợp này đã được xử lý kịp thời và tình trạng sức khoẻ đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng sau tiêm thông thường.
Tính đến 6h ngày 12/3, tổng số ca mắc viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam đã tăng lên đến 2.535 ca; tổng số ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng cũng lên tới 1.590, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 897 ca.
Cụ thể: Hải Dương ghi nhận 713 ca lây nhiễm trong cộng đồng, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP.HCM (36 ca ), Hòa Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
Đến nay, dù 2.048 ca bệnh đã được chữa khỏi nhưng cũng không loại trừ khả năng tái nhiễm với chủng virus Vũ Hán trên, trong khi đó, cả nước vẫn còn đến 44.540 trường hợp có nguy cơ làm bùng phát dịch đang phải thực hiện cách ly.
Tính đến thời điểm này, đã có 35 ca tử vong do Covid-19. BN 1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng hiện là bệnh nhân nặng nhất. Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định; chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.
Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng…
Nguồn gốc bùng phát đại dịch Covid-19 toàn cầu sắp được tiết lộ?
Ông Peter Daszak, chủ tịch của tổ chức EcoHealth Alliance có trụ sở tại New York, thành viên nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của WHO, ước tính rằng nghiên cứu khoa học tập thể có thể xác định được cách thức động vật mang virus gây dịch Covid-19 lây nhiễm cho những người đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Đây là thông tin do ông Daszak cung cấp trong cuộc họp báo của Tổ chức Chatham House ở London (Anh).
Cụ thể, ông Daszak cho biết hoạt động buôn bán động vật hoang dã là lý giải khả thi cho sự xuất hiện của dịch Covid-19 ở Vũ Hán, nơi ghi nhận những trường hợp nhiễm đầu tiên ở người, giả thuyết đó được cả WHO và phía Trung Quốc “ủng hộ mạnh mẽ nhất”.
Ông Daszak và các đồng tác giả nghiên cứu sẽ sớm công bố báo cáo trong tuần tới về những kết luận ban đầu của chuyến điều tra nguồn gốc dịch bệnh tại Vũ Hán vừa qua.
Trước đó, các chuyên gia điều tra này đã dành 4 tuần ở Vũ Hán để thăm các địa điểm liên quan đến những ca nhiễm đầu tiên và kết thúc nhiệm vụ hồi tháng trước mà không có kết quả cụ thể.
Bà Marion Koopmans, cũng là thành viên trong nhóm điều tra của WHO, cho biết họ đã cân nhắc nhiều giả thuyết về sự bùng phát dịch Covid-19, bao gồm khả năng xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, sau khi nhóm điều tra đến thăm 3 phòng thí nghiệm gần chợ Huanan ở Vũ Hán đã đưa ra kết luận là khó có khả năng xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình điều tra nguồn gốc dịch bệnh, bởi thông thường các chuyên gia phải mất nhiều năm để xác định chính xác dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật.
Vũ Tuấn (t/h)