Việt Nam gây quỹ mua vắc-xin, nhưng không loại trừ hàng Trung Quốc
Ít nhất 3 hãng truyền thông chính thống của Việt Nam đã gây quỹ để mua vắc-xin. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam không loại trừ việc mua vắc-xin từ Trung Quốc.
Báo Tuổi Trẻ – cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/2 phát động chương trình ‘Cùng Tuổi Trẻ góp vắc-xin COVID-19’ nhằm “tạo thêm nguồn lực tài chính trang trải cho chi phí về vắc-xin và tiến tới bảo đảm đủ vắc-xin để phòng chống dịch bệnh lâu dài cho toàn dân.”
Đài truyền hình TPHCM (HTV) hôm 22/2 cũng kêu gọi người dân đóng góp vào Quỹ Chung một tấm lòng, với “mong muốn cùng Chính phủ sớm hoàn thành công tác mua và tiêm vắc-xin cho toàn dân, thực hiện mục tiêu kép ngăn chặn đại dịch, ổn định đời sống nhân dân”.
Đài HTV gây quỹ “Chung một tấm lòng” kêu gọi cho biết “Toàn bộ số tiền thu được từ cộng đồng doanh nghiệp, bạn xem đài và các nhà hảo tâm sẽ được chuyển đến ngành y tế để tiếp tục mua vắc-xin COVID-19.” Đồng thời, “cam kết sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn lực được tài trợ, hỗ trợ.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo hôm 25/2 đã trả lời câu hỏi từ phóng viên PhoenixTV về việc có hay không Chính phủ Việt Nam đàm phán mua vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc.
Theo tờ Thanh niên, bà Hằng không trả lời thẳng câu hỏi, nhưng cho biết thêm là: “ngoài những nguồn vắc-xin như của Covax Facility, Astra Zenecca, Pfizer và Sputnik V, Việt Nam hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác trên thế giới để có nguồn vắc-xin phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân.”
Một vấn đề nữa xoay quanh vắc-xin cũng gây tranh cãi trong dư luận, đó là câu hỏi tại sao lô vắc-xin đầu tiên của Anh về tới Việt Nam lại do hãng hàng không Korean Airlines vận chuyển? Người phát ngôn Bộ ngoại giao cho biết, đây là thỏa thuận giữa nhà cung cấp và sản xuất vắc-xin, còn Việt Nam chỉ có trách nhiệm tiếp nhận vắc-xin tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới quan ngại về vắc-xin Trung Quốc, cũng như nhiều nghiên cứu chứng minh sự nguy hiểm của chúng. Ngay cả Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây cũng không dám dùng cho nhân viên y tế tuyến đầu, và chỉ miễn cưỡng dùng vì đó là hàng ‘miễn phí’.
Từ Thức (t/h)