Việt Nam cần có biện pháp ứng phó rủi ro nếu Nga vỡ nợ
Tất cả các quốc gia có quan hệ mậu dịch với Nga, trong đó có Việt Nam nên có nhưng biện pháp phòng ngừa rủi ro nếu tình huống giá dầu xuống dưới 40USD/thùng thì Nga có thể sẽ vỡ nợ.
Bình luận về động thái tăng lãi suất của Nga, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc NHTW Nga tăng lãi suất để cứu đồng rúp đã được dự báo từ nhiều tháng nay khi giá trị loại tiền tệ này bắt đầu rơi tự do. Việc tăng lãi suất sẽ tác dụng phần nào để cứu đồng tiền của Nga vì nhà đầu tư Phương Tây sẽ mua loại tiền này để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nga (hiện cũng đang có lợi suất cao vì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang được điều chỉnh đáng kể). Việc các nhà đầu tư mua vào sẽ tăng giá trị của đồng rúp so với các loại đồng ngoại tệ khác.
Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, việc tăng lãi suất rúp chỉ làm tăng giá trị đồng tiền này một chút, hạn chế các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi Nga còn thị trường toàn cầu ảnh hưởng không đáng kể vì rúp chưa phải là đồng tiền thanh toán lẫn công cụ đầu tư tài chính quốc tế nên ảnh hưởng đến các thị trường tài chính thế giới thời gian hiện nay chỉ là vấn đề tâm lý.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trương Văn Phước, phó Chủ tịch UBGS Tài chính Quốc gia cũng cho rằng việc tăng lãi suất đồng rúp mạnh này không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường tài chính khác vì “rúp cũng không có gì ghê gớm cả”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nếu giá dầu lao dốc và các biện pháp phong tỏa của Phương Tây vẫn tiếp tục, đồng rúp sẽ rơi tự do. Trong trường hợp giá dầu xuống dưới 40USD/thùng Nga có thể sẽ vỡ nợ. Tất cả các quốc gia có quan hệ mậu dịch với Nga trong đó có Việt Nam nên có nhưng biện pháp phòng ngừa những rủi ro liên quan nếu tình huống xấu nhất diễn ra.