Viên quan ăn chay, bố thí, niệm Phật vì sao vẫn phải chịu cực hình dưới Địa Phủ?
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người giàu có và quyền quý thường đến chùa lễ Phật, quyên góp cúng dường, ăn chay bố thí, tổ chức các hoạt động từ thiện… để cầu phúc cho bản thân và mong được Thần Phật bảo hộ tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên những việc đó có thể đạt hiệu quả đến mức nào? Người xưa đã lưu lại cho hậu thế một vài câu chuyện cảnh tỉnh sâu sắc.
Viên quan ăn chay vẫn bị Địa Phủ kết tội “ăn thịt người”
Theo cuốn “Tử Bất Ngữ” của học giả Viên Mai, vào đời nhà Thanh có người họ Mẫn sống ở Hàng Châu, một đời ngay thẳng. Mẫn Công có người em bà con họ Lý, làm quan trong triều, vốn là người ăn chay trường, thường xuyên niệm Phật và phóng sinh.
Một ngày nọ, người họ Lý qua đời. Đến nửa đêm Mẫn Công nằm mơ, thấy có quỷ sai ở Âm gian mang kiệu tới mời ông đi đến cõi Âm để làm nhân chứng, ông liền đi theo.
Khi đến nơi, Mẫn Công nhìn thấy người họ Lý đang quỳ dưới đất, phán quan ngồi trên cao lần lượt đọc các tội trạng của Lý khi làm quan, rồi phán rằng cần giam Lý vào hỏa ngục.
Lý không phục: “Tôi cả đời tụng kinh niệm Phật, ăn chay phóng sinh, cớ sao không có công đức để chuộc tội?”
Phán Quan bèn bảo Lý đọc kinh Phật mà mình thường tụng niệm ra, nhưng Lý bình thường chỉ đọc suông chứ không lưu tâm nên không nhớ nổi. Phán Quan bèn nói: “Miệng ngươi tuy đọc kinh Phật nhưng trong lòng không có Phật, vậy cũng không có tác dụng gì, còn dám nói tới công đức sao?”
Lý hoảng sợ vội nói: “Nhưng tôi là người ăn chay và thường phóng sinh, sao ngài không xét tới?”
Phán Quan đáp: “Tuy ngươi không ăn thịt cầm thú, nhưng lại ăn thịt người, tội càng nghiêm trọng hơn.”
Lý nói: “Tôi chưa từng ăn thịt người.”
Phán Quan đáp: “Ngươi làm quan mà tham ô hủ bại, chiếm đoạt đồng tiền xương máu của trăm họ, vậy thì khác gì ăn thịt người?”
Lý im lặng. Phán Quan lại nói: “Hãy xem giống tằm đến chết vẫn nhả tơ, từ Thiên tử đến thứ dân đều mặc y phục dệt từ tơ của nó, công lao ấy so với các giống cầm thú khác còn lớn hơn nhiều, ấy vậy mà nó vẫn bị xào bị nấu, suốt ngàn vạn năm qua vì sao không có ai kêu oan cho nó? Là vì loài người mới là trân quý nhất trong trời đất này, Thượng Đế vì con người mới sáng tạo ra những giống vật ấy. Tuy ngươi ăn chay phóng sinh, không hại cầm thú, nhưng lại xem thường mạng người, thì có khác gì quý trọng tờ giấy viết vài ba chữ nhưng lại vứt bỏ kinh sách của Thánh Hiền?”
Lý không nói được nữa, dập đầu nhận tội.
Vụ án kết thúc, bấy giờ Mẫn Công mới giật mình tỉnh giấc, về sau ông thường nói với mọi người trong nhà rằng: “Ăn chay niệm Phật thì cũng phải thật tâm sửa đổi chính mình mới có thể tích được phúc đức, còn không dẫu phóng sinh ngàn vạn cầm thú hay cả đời trường chay cũng không được gì.”
Lời bàn:
Ngày nay có không ít những người quyền cao chức trọng rất thích đi chùa lễ Phật, cũng thường xuyên tụng niệm kinh sách, ăn chay bố thí,… nhưng kỳ thực lại không để tâm vào đó. Rất nhiều người đều xem những việc đó như một cách “đổi chác” với Đức Phật: Họ cúng Phật, họ ăn chay, họ niệm kinh, thì Phật phải phù hộ cho họ ngày càng thăng quan phát tài, nhà cửa thịnh vượng, tai qua nạn khỏi…
Người ta đều không còn thật tâm kính Phật trọng Đạo, không có lòng hướng Thiện nữa, thì việc họ làm cũng giống như viên quan họ Lý kia “quý trọng tờ giấy viết vài ba chữ nhưng lại vứt bỏ kinh sách của Thánh Hiền”. Liệu Đức Phật có thể bảo hộ cho người như vậy được hay không?
Xây cầu đắp đường vẫn bị xuống Địa Ngục
Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, hòa thượng Thích Đế Nhàn đã kể lại một câu chuyện như sau:
Cuối đời nhà Thanh có viên quan Trình Hữu Phương, khi về già gia sản giàu có, thường xuyên giúp người dân xây cầu đắp đường, quyên tiền dựng chùa, tổ chức bố thí ở các nơi, ai cũng khen ngợi ông là bậc thiện nhân.
Nào ngờ sau này, một đêm nọ Trình Hữu Phương đột nhiên qua đời, khi chết cả mắt mũi miệng của ông đều ứa máu, cực kỳ thê thảm. Không lâu sau, con trai ông là Trình Đông Dương cũng chết bất đắc kỳ tử.
Trình phu nhân vì cái chết của chồng con mà vô cùng đau lòng và căm phẫn, liền cho rằng chồng mình cả đời hành thiện mà vẫn chết thảm như vậy, hóa ra chuyện nhân quả báo ứng chỉ là gạt người, không có thật. Không kìm nén được, bà dự định sai người đi đập phá những chùa chiền, cầu cống mà trước đây Trình Hữu Phương đã xây dựng.
Đúng lúc ấy, có người giới thiệu với bà một vị pháp sư đến từ ngoại quốc, có thể gọi hồn người chết về dương gian, Trình phu nhân nghe vậy bèn thỉnh mời pháp sư gọi hồn chồng mình về, xem thử rốt cuộc mọi chuyện thế nào.
Nào ngờ pháp sư dùng pháp thuật gọi mãi vẫn không ứng nghiệm, không thể gọi hồn Trình Hữu Phương về được, bèn nói: “E rằng chồng bà đã bị giam vào địa ngục rồi, nếu không thì sao tôi không thể tìm được?”
Trình phu nhân cực kỳ phẫn nộ, xẵng giọng nói: “Chồng ta cả đời làm không biết bao nhiêu việc thiện, sao có thể vào địa ngục được? Có phải ngươi định đến đây gạt tiền và nguyền rủa chồng ta không?”
Pháp sư ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: “Bà còn thân nhân quá cố nào khác, cứ nói ra, tôi gọi người đó về là biết thật hay giả.”
Trình phu nhân đành bảo pháp sư gọi hồn con trai Trình Đông Dương về. Lần này pháp sư chỉ niệm chú một chút là hồn liền về, hai mẹ con có thể tiếp xúc với nhau.
Trình phu nhân khóc hỏi: “Vì sao pháp sư không gọi được hồn cha con về?”
Trình Đông Dương đáp: “Cha đang chịu cực hình trong địa ngục, cả con cũng không thể gặp. Tội của cha rất lớn, con bị như thế này cũng là do gánh nghiệp của cha.”
Trình phu nhân giận dữ nói: “Nói bậy, cha con cả đời hành thiện tích đức, lý nào lại có tội lớn như vậy?”
Trình Đông Dương đáp: “Lời này là do Diêm Vương gia nói. Diêm Vương gia kể rằng năm đó có vùng bị hạn hán, triều đình cử cha đi cứu tế nạn nhân. Nhưng trên đường đi vì nổi lòng tham nên cha đã cùng hai vị đại thần chia nhau phần lớn số tiền cứu trợ, phần còn lại tới tay nạn nhân không đáng bao nhiêu. Hậu quả đã khiến cho hơn 10 vạn người phải chết đói, tạo ra ác nghiệp to lớn vô cùng.”
Trình phu nhân bấy giờ mới giật mình run sợ, bà cũng nhớ rằng năm đó Trình Hữu Phương đã mang rất nhiều ngân lượng về nhà, từ đó mà gia đình trở nên cực kỳ giàu có, nhưng ông ta chỉ nói qua loa là được triều đình trọng thưởng, hóa ra bên trong còn có bí mật tày trời như vậy sao?
Nhưng vẫn chưa hoàn toàn tâm phục, bà lại nói: “Dù có là vậy, nhưng cha con đã làm rất nhiều việc thiện, lẽ nào đó không được tính là công đức sao, lẽ nào không lấy công bù tội được sao?”
Trình Đông Dương đáp: “Diêm Vương gia nói, lúc về già cha quả thật có ân hận, nên đã gắng sức làm nhiều việc thiện để chuộc tội. Tuy nhiên cha làm ác trước rồi mới làm thiện sau, hơn nữa số tiền cha dùng để làm việc thiện kia cũng chỉ là số tiền mà cha đã lấy đi trong cứu trợ, không thể tính là công đức gì cả, chỉ có thể nói rằng cha đã thật sự ăn năn và xuất thiện tâm. Vì vậy, sau khi cha hoàn trả hết món nợ với mười vạn sinh mệnh, thì mới có thể căn cứ vào đó mà cấp phúc báo cho cha.”
“Nhưng nếu bây giờ mẹ đập bỏ hết những gì cha xây dựng cho người dân trước đây, thì e rằng chút phúc báo đó cũng không còn, mà thời gian cha ở lại địa ngục cũng lâu hơn. Nếu mẹ thật lòng muốn tốt cho cha và con, thì chỉ có thể tu dưỡng tâm tính, gắng sức giúp đỡ thật nhiều người, hăng hái làm việc thiện, khuyên người khác làm điều lành tránh điều ác, như vậy là tích đức cho mẹ, và cũng là giảm nhẹ tội cho cha và con… “
Trình Đông Dương chỉ nói đến đó đã vội rời đi, có lẽ vì âm dương cách biệt nên không cho phép anh ta ở lại lâu hơn.
Trình phu nhân bấy giờ mới hiểu rõ nhân quả báo ứng, liền lập tức dẫn gia quyến lên chùa lễ Phật, phát tâm sửa đổi bản thân, hành thiện tích đức, để tạo ra thiện quả cho chính mình trong tương lai và cũng là để chuộc tội cho thân nhân đã khuất.
Lời bàn
Có rất nhiều người làm quan mà vơ vét của công, tham ô hối lộ, vì địa vị và lợi ích mà không từ thủ đoạn tranh đấu nào, trên thì nịnh nọt quan lớn, dưới thì bức hiếp dân lành, không gì không làm. Nhưng cũng như Trình Hữu Phương kia, dù có xấu tệ đến đâu họ vẫn có phần “nhân tính” của mình, vì vậy sâu thẳm trong lòng họ biết rằng họ đã sai, nên họ bèn lấy ra một phần tài sản để làm một số việc thiện, mong rằng có thể chuộc lỗi.
Nhưng nhân quả rất rõ ràng và công bằng, họ dùng tiền bất chính, tiền tham ô để “giúp đỡ” người khác thì cũng không thể tính là có được công đức gì cả. Còn nếu họ dùng đồng tiền đó để xây chùa, cúng dường cho Phật,… thì tội càng lớn hơn, chẳng khác gì họ đang xem Thần Phật đồng dạng với tham quan như họ, nhận tiền của họ rồi sẽ xá miễn tội trạng cho họ. Lẽ nào có thể có việc ấy được?
Kỳ thực Trình Hữu Phương tuy chịu tội trong địa ngục, nhưng Diêm Vương cũng nói rằng vì ông ấy đã ăn năn nên tương lai sau khi hoàn trả hết tội nghiệp rồi sẽ cấp phúc báo cho ông ấy, thiện quả này là đến từ việc ông thật tâm hối cải chứ không phải là từ việc ông dùng tiền bất chính để làm từ thiện!
Nếu có những người biển thủ của công, chiếm đoạt tiền xương máu của nhân dân, mà cũng không thành tâm sửa đổi, thì dù họ có làm bao nhiêu việc thiện, cất bao nhiêu ngôi chùa, đúc bao nhiêu tượng Phật, thì e rằng cũng hoài công vô ích, hơn nữa từ câu chuyện của Trình Hữu Phương có thể phần nào đoán ra tương lai của họ…
Thế Di