Vì sao trước khi tàu hạ thủy người ta thường làm lễ đập vỡ 1 chai rượu?
Trước khi con tàu mới có chuyến đi đầu tiên, người ta thường cử hành một nghi thức hạ thuỷ long trọng: Đập chai rượu vào thành tàu cho vỡ để rượu bắn ra tung toé. Điều này có ý nghĩa gì?
Nghi thức được bắt đầu bằng việc giơ cao 1 chai rượu có buộc dây rồi đập hết sức vào thành tàu để rượu bắn tung tóe ra xung quanh. Trên thực tế, việc đập vỡ chai rượu mỗi khi có 1 con tàu hạ thủy đã có từ rất lâu trước đây, sớm hơn cả sự ra đời của những con tàu chạy bằng nhiên liệu hoặc than đá.
Khi đó, việc đi biển dù là đánh bắt, buôn bán hay kể cả di chuyển từ vùng này sang vùng khác cũng vô cùng nguy hiểm bởi thường xuyên xảy ra những tai nạn, đắm tàu do thời tiết, gió bão công thêm cả các biện pháp an toàn chưa phát triển như ngày nay. Số lượng thương vong tương đối lớn.
Thêm vào đó, việc thông tin liên lạc trên biển vô cùng khó khăn, cho nên mỗi khi gặp tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng, các thủy thủ đoàn thường có thói quen viết 1 thông điệp báo nạn rồi cho vào chai rượu, thường là rượu champagne vì đó là món đồ uống ưa thích của họ và thả xuống biển với hy vọng tàu bè đi ngang qua có thể tới cứu.
Nhưng giữa biển khơi mênh mông, kể cả có vớt được chai rượu cũng khó lòng định vị được con tàu bị nạn đang ở đâu để đến ứng cứu.
Do vậy, người ta thường đập mạnh những chai rượu vào thành tàu hoặc mũi tàu ngay từ khi con tàu đó mới hạ thủy, với niềm tin rằng điều đó sẽ giải trừ những đen đủi, sự cố mà người thân mình có thể gặp trên biển và chuyến đi sẽ được thuận buồm xuôi gió, an lành trở về.
Người ta thường tâm niệm rằng, nếu chai champagne đập vào mũi tàu mà không vỡ thì rất có thể con tàu đó sẽ gặp phải những điều không may mắn. Do vậy cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi sử dụng chai champagne này.
Chai champagne phải được bảo quản trong một vỏ bọc cách nhiệt, ở phòng điều hòa để đảm bảo khi chai champagne vỡ phải gây ra tiếng nổ và bắn tung tóe ra xung quanh. Và phải có một chai dự trữ để đề phòng sự cố.
Bên cạnh đó, trong các buổi lễ hạ thủy, chai champagne phải được buộc vào một chiếc dây, đầu kia của dây buộc chặt vào mũi tàu để đảm bảo an toàn cho những người chứng kiến. Ở một số nơi, người ta còn phải bọc bên ngoài chai champagne một vỏ bọc bằng nhôm, bên trong có lót vải cotton để tránh trường hợp khi chai vỡ sẽ gây thương tích cho những người xung quanh.
Trước đây rất lâu, từ thời của những người Hy Lạp cổ đại, họ cũng đã có những nghi lễ tương tự để cầu chúc may mắn cho con tầu của mình. Tuy nhiên người Hy Lạp không đập vỡ những chai rượu mà họ đội những vòng hoa ô-liu quanh đầu, uống rượu để tôn vinh các vị thần, và đổ chúng lên con chiếc thuyền mới để chúc phước cho nó.
TinhHoa tổng hợp