Vì sao hôm nay (15/1) được xem là ngày buồn bã nhất trong năm?
Với nhiều người, thứ 2 là ngày rất “chán”, ngày mà mọi người đi học đi làm với tâm trạng cực uể oải bởi dư vị ‘xả hơi’ ngày nghỉ cuối tuần vẫn lưu luyến. Tuy nhiên, theo News thì thứ 2 của tuần thứ ba (hôm nay 15/1) mới là ngày buồn bã nhất trong năm.
Nếu cảm thấy chán nản vào hôm nay thì hãy yên tâm bạn không phải người duy nhất. Từ lâu, ngày thứ hai của tuần thứ ba (năm nay rơi vào ngày 15/1) bị coi là ngày thứ hai u sầu.
Theo News, có hàng loạt nguyên nhân khiến ngày bắt đầu tuần thứ ba trong năm đặc biệt đáng buồn. Ví dụ bạn nhận ra kỳ nghỉ đầu năm mới đã thực sự kết thúc, quá nhiều hóa đơn mùa lễ hội cần chi trả và phải quay lại làm việc. Ngoài ra, tiết trời mùa đông lạnh lẽo, u ám càng làm tâm trạng con người đi xuống.
Năm 2005, chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc, tiến sĩ Cliff Arnall ở South Wales (Anh) đã đưa ra thuật toán khẳng định thứ hai của tuần thứ ba trong tháng 1 luôn buồn bã.
Và thuật toán của tiến sĩ Cliff là: [W + (D-d)] x Tq ÷ [M x Na]
Trong đó: W: thời tiết, D: nợ nần; d: biểu thị lương tháng; T: số ngày tính từ Giáng sinh; q: tính từ thời điểm con người phá vỡ mục tiêu năm mới; M: động lực; Na: cảm giác cần hành động.
Và tổng hòa ý nghĩa của thuật toán này đó là: thứ 2 của tuần thứ 3 trong tháng 1 – điều không tốt sẽ nhiều hơn những điều tốt, hay nói đơn giản hơn, bạn sẽ u sầu nhiều hơn. Cùng với thời tiết khắc nghiệt – càng làm tâm trạng của chúng ta đi xuống.
Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học lại lên tiếng cho rằng khái niệm này hoàn toàn vô căn cứ và mang tính chất tiếp thị. Ở Anh, phòng khách sạn luôn “cháy” vào tháng một bởi các công ty du lịch ra sức chào mời người dân đi nghỉ để thay đổi tâm trạng.
Nhà tâm lý Jolanta Burke từ Đại học East London thì lập luận ngày 15/1 trở nên ảm đạm do chính con người tự biến nó thành một lời “tiên tri tự vận”.
“Khi kỳ vọng gì đó về một sự kiện, nhân vật hay bản thân, chúng ta sẽ hành xử theo cách phù hợp với kỳ vọng đó”, bà Burke giải thích. “Ví dụ, nếu nghĩ rằng hôm nay là ngày tuyệt vọng nhất năm, chúng ta sẽ tự động chú ý đến những sự kiện tiêu cực như không được sếp trọng dụng hoặc vợ/chồng lười làm việc nhà”.
Chưa kể, dưới tác động của tâm trạng, chúng ta sẽ dễ bỏ qua các hoạt động giải trí, luyện tập khiến đầu óc thêm nặng nề.
Để xóa bỏ hiện tượng này, bà Burke cho rằng, tất cả mọi người đừng nghĩ rằng hôm nay là thứ 2 u sầu mà hãy biến thành thứ 2 hạnh phúc.
Thay vì nghĩ những điều tiêu cực, bạn hãy mỉm cười, tặng cho nhau những chiếc ôm thật chặt, làm những điều mình thích, mua 1 món quà cho bản thân hay người yêu thương… tất cả sẽ khiến tâm trạng của bạn vui vẻ hơn nhiều.
Chúng ta biết rằng, do mùa đông ít ánh nắng mặt trời nên lượng vitamin D bị thiếu hụt nhiều. Hormone serotonin – hormone hạnh phúc cũng sẽ gần như biến mất, khiến các bạn phải trải qua chuỗi ngày buồn sầu nhiều hơn.
Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, để chống lại chứng rối loạn trầm cảm theo mùa (SAD) – hình thức trầm cảm đặc biệt gây ra bởi sự thiếu ánh sáng mặt trời, và ngày thứ 2 ảm đạm – bạn nên ra ngoài tiếp xúc, giao lưu gặp gỡ nhiều hơn. Cứ đi đi bởi ngoài kia bao la là thế giới, chắc chắn bạn sẽ thấy niềm vui.
Ngân Ca (t/h)